Ông Lý Tấn Phương chăm sóc vườn chôm chôm nhà mình.
Năm 2010, xã Sơn Định được Huyện ủy Chợ Lách chọn điểm triển khai xây dựng xã NTM. Với vai trò, trách nhiệm là người đứng đầu tổ chức Hội Nông dân, ông Phương và Ban Chấp hành Hội luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo ông Phương, muốn đạt hiệu quả cao, cán bộ Hội phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của mình. Xây dựng NTM có 19 tiêu chí (TC), TC nào cũng quan trọng, mắt xích với nhau. Nếu chỉ xem TC số 13 là xây dựng tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả thì chưa đầy đủ nhưng rõ ràng TC này là đại diện, bởi khi tổ chức thực hiện tốt sẽ tác động rất lớn đến các TC khác. Chính tầm quan trọng của TC số 13 mà ông Phương và Ban Thường vụ Hội đăng ký với Đảng ủy xã thực hiện TC này song song với 10 TC Hội Nông dân huyện giao. Ông Phương cho biết: “Thực hiện TC số 13 phải tập hợp dân lại thành lập các tổ hợp tác không khó đối với các cấp Hội, nhưng đưa nó đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả và nâng lên thành hợp tác xã thì thật là không dễ. Để duy trì các tổ hợp tác hoạt động tốt, tôi đã vận động cán bộ chi hội, tổ hội, hội viên tiêu biểu có uy tín tham gia vào các ban quản lý tổ làm nòng cốt”. Với sự dẫn dắt đầy trách nhiệm, đến nay, Hội thành lập 31 tổ hợp tác với 1.079 hộ, chiếm 36% số hộ trong xã tham gia (ở 8/8 ấp). Trong đó có 9 tổ hoạt động hiệu quả, tạo được nguồn quỹ (cao nhất 37 triệu đồng, ít nhất trên 3 triệu đồng). Nguồn quỹ này được các tổ sử dụng cho tổ viên mượn xoay vòng mua vật tư nông nghiệp, người mượn sẽ trích một ít kinh phí bổ sung vào nguồn vốn này, tương ứng với mức lãi suất 0,5%/tháng; có tổ cho mượn không tính lãi. Ông Phương cho biết, từ khi tham gia vào tổ hợp tác, tính cộng đồng của bà con được phát huy, tích cực tham gia các công trình với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Có nhiều công trình do dân tự góp kinh phí, địa phương chỉ hỗ trợ phần nhỏ. Bản thân ông cũng đăng ký sáng kiến lồng ghép thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào các cuộc họp của tổ chức Hội, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ liên kết, nhóm lồng ghép, các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo… Sáng kiến của ông Phương được Hội đồng Thi đua của huyện công nhận và được các chi, tổ hội thực hiện. Đến nay, sáng kiến của ông mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm nội dung sinh hoạt phong phú hơn, thu hút đông đảo hội viên tham dự. Thông qua đây, cán bộ Hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của hội viên và quần chúng nhân dân, đồng thời kịp thời có phản hồi đối với những thông tin lệch lạc; tham mưu cho cấp ủy đảng, Hội cấp trên có những giải pháp thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế và những bức xúc của bà con. Nhờ vậy, uy tín của tổ chức Hội và ông Phương ngày càng được nâng lên. Có trường hợp đặc biệt mà khi nhắc đến ai cũng cho rằng công của ông Phương là rất lớn. Đó là việc vận động được hộ anh Huỳnh Văn Đài (hộ nghèo) cho tận dụng thềm nhà mình để mở đường từ cầu Đình đến cầu Sông Xụp từ 2m ra 5m theo tiêu chí NTM; hộ chị Nguyễn Thị Thiêu đồng ý vô điều kiện với việc bỏ cổng rào bằng bê-tông mới xây trên 20 triệu đồng để xã thuận lợi làm đường giao thông nông thôn. Xã Sơn Định hiện có 2 làng nghề chuyên sản xuất cây giống, hoa kiểng với sản lượng hàng năm xuất ra thị trường trên 2 triệu cây giống các loại, với nhiều giống cây ăn trái có giá trị cao như bưởi da xanh ruột hồng không hạt, sầu riêng Monthon và là nơi có kỹ thuật tháp ngược cây giống đầu tiên của cả nước. Xã có 2 tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP, trong đó có 1 tổ chôm chôm. Thu nhập bình quân đầu người 49 triệu đồng/năm; thu nhập trên đơn vị sản xuất từ 150 - 200 triệu đồng/ha, vượt 2 lần so với Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra đầu nhiệm kỳ. |
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn