"Ơ... sương đêm chưa tan mà bước chân cán bộ đã lên đường/Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng,.../Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ...".
Lời bài hát "Em đi làm tín dụng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã nằm lòng trong mỗi cán bộ tín dụng và trở thành động lực thôi thúc những “con người đặc biệt” này gắn bó với vùng dẻo cao đầy núi và đá.Gian nan đường vào bảnLàm cán bộ tín dụng ở các tỉnh đồng bằng phải cố gắng một thì làm cán bộ tín dụng ở những tỉnh miền núi phải cố gắng gấp nhiều lần. Khó khăn nhất của các huyện miền ngược là đi đâu cũng thấy núi, núi đứng sừng sững toàn sỏi đá. Mỗi hốc đá người ta vùi vào đấy mấy hạt ngô, rồi lại nhờ sương gió của trời mà lớn lên cho đời cái ăn. Có vài nếp nhà nhỏ nép mình bên vách núi, gió hoang vu, cảnh vật tuềnh toàng, chỉ có đá là ngang nhiên hùng vĩ tồn tại mãi mãi với thời gian.Có những nơi thì chỉ cần một trận mưa rào là đường lại lầy lội bùn đất, đi bộ đã khó nói gì đến xe máy hay ôtô. Chính vì vậy, các cán bộ tín dụng của ngân hàng phụ trách những khu vực này đã nhiều phen “rớt tim”, nhất là khi bão lũ đến.Một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội Thanh Hóa tâm sự: “Khi đi xuống xã, nhiều khi phải nhờ dân bản khênh xe qua suối, còn mình thì đi bộ theo họ. Nhiều bản đường đi vào rất khó khăn, trời nắng đi còn vất vả, nhưng trời mưa thì chịu, không vào được hoặc vào rồi lại không thể ra.”Còn anh Hoàng Văn Thắng, tổ trưởng tổ tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội Kỳ Sơn (Nghệ An) tâm sự: Nhiều nơi phải lội bộ cả ngày đường, nhịn đói, khát dọc đường là chuyện thường gặp, nên cán bộ được tăng cường cho huyện Kỳ Sơn phần lớn đều trẻ, khỏe để dễ bề "cắm bản".Anh Thắng kể, có lần, anh và một cán bộ khác lên thu nợ tại xã Keng Ðu, cách trung tâm huyện khoảng 50 km, tuy nhiên, hai người phải đi mất hơn nửa ngày thì mới đến nơi vì đúng vào mùa mưa bão, nhiều đoạn đường bị sạt lở lởm chởm, lái xe chỉ một phút chùn tay, sơ sểnh sẽ lao xuống vực sâu thăm thẳm ngay.Còn anh Đức Hào, cán bộ tín dụng Agribank Đồng Văn, hiện là Phó phòng Tín dụng Agribank Hà Giang cũng tâm sự, những ngày đầu được giao phụ trách vài điểm thuộc huyện Đồng Văn, anh cũng gặp rất nhiều khó khăn như chưa hiểu phong tục tập quán của đồng bào, không biết tiếng dân tộc. "Vấn đề đường sá đi lại khó khăn thì khỏi nói rồi, vì ở đây các gia đình chủ yếu là ở trên vách núi, nhà lại ở cách nhau xa nên việc đi lại chủ yếu là đi bộ," anh tâm sự.Giờ thì anh Hào đã quá quen thuộc với công việc của mình với vốn tiếng Mông dắt lưng khá khá cũng như quen "cái chân" để "lội bộ" cùng bà con, quyết tâm xóa các điểm trắng chưa có vốn tín dụng đầu tư, đưa đồng vốn của ngân hàng cải thiện cuộc sống cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”Những tưởng chẳng có gì có thể sinh sôi nảy nở ở những vùng đất này được. Ấy thế mà, giờ đây nhiều nhà đã có của ăn, của để, bà con đã biết tích lũy mua sắm những vật dụng gia đình như tivi, xe máy…Gia đình anh Lò Sa Phìn thuộc xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trước đây thường không đủ ăn, cũng chẳng biết trồng ngô hay nuôi gia súc nhưng giờ trong nhà anh chẳng thiếu thứ gì. Có ngô, có trâu, có đủ gạo ăn hàng ngày. Anh Phìn kể: có được cuộc sống như ngày hôm nay là đều nhờ vào cán bộ tín dụng của ngân hàng Agribank.“Những ngày đầu ở Lũng Thầu, ghi nhớ lời Bí thư Huyện uỷ Đồng Văn: Đôi chân không bao giờ được mỏi, tôi miệt mài đi cơ sở, vào từng thôn bản và tôi nhận ra rằng: Để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho đồng bào trước tiên phải là vốn và cách làm. Vốn thì Agribank có, bà con dân tộc thiểu số không biết tìm tới vay vốn thì Agribank chủ động tìm bà con đưa vốn. Còn cách làm không thể nói với dân được, phải cầm tay chỉ việc,” anh Hào nói.Anh đã chọn ra mỗi xóm một gia đình đầu tư vốn phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế hàng hóa, phù hợp thế mạnh tại địa phương; tham mưu cho chính quyền huyện hỗ trợ lãi suất vay vốn. Vậy mà thành công ngoài mong đợi: Các mô hình phát triển, mang lại thu nhập từ 20 triệu-60 triệu đồng/năm. Từ điểm trắng vốn tín dụng, Lũng Thầu trở thành xã có dư nợ tín dụng cao nhất nhì huyện.Một địa bàn khác cũng là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Lào Cai, đó là huyện Si Ma Cai. Với một huyện có địa hình chủ yếu là dốc núi đi lại khó khăn, phức tạp như Si Ma Cai, việc thông tin, tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến từng hộ gia đình là hết sức vất vả. Ấy thế mà, trung bình một tháng ngoài những ngày đi giao dịch lưu động xã, anh Đỗ Ngọc Long, cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội (giờ là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm Bảo Lâm) đã dành khoảng 6-8 ngày xuống cơ sở kết hợp việc kiểm tra, giám sát vốn vay, tuyên truyền để bà con vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.Anh Long cho biết, khó khăn nhất hiện nay là dân cư không tập trung, đường giao thông đi lại khó khăn, bản thân lại phải phụ trách nhiều xã trên một địa bàn rộng, phức tạp nên việc đi kiểm tra, giám sát bị hạn chế. Hơn nữa, trình độ nhận thức của đồng bào chưa cao nên khi tiếp cận với các mô hình, dự án rất khó khăn, họ chưa dám mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất…Theo anh Long, muốn cuộc sống nơi đây thay đổi để cải thiện cuộc sống thì các cán bộ tín dụng phải “4 cùng” với bà con, đó là cùng ăn, cùng ở, cùng nghĩ và cùng làm. Chính vì vậy, sau hơn 3 năm lăn lộn với vùng cao Si Ma Cai, Sín Chéng, Bản Mế, Làn Xín… các chương trình cho vay của anh Long đều đạt kế hoạch, dư nợ cao, nợ xấu và nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất ít. Anh Đỗ Ngọc Long trong một buổi làm việc với bà con huyện Đồng Văn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). Trong nhà anh Lò Văn Hội ở Sín Chéng, dù đã sắp bước sang vụ ngô mới nhưng những bao ngô của năm cũ vẫn chất đầy. Anh Hội cho biết: “Nhờ biết cách làm ăn nên bà con không còn chuyện hết mùa gặt, mùa ngô là lo đói như xưa nữa. Nhà ai trong bản cũng để dành lại mấy tạ ngô làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm chứ không phải để ngô lại làm lương thực thay cơm”./. MINH THÚY
Nguồn vietnamplus.vn