Tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi còn cao
Ông Bế Minh Đức, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đánh giá, các tỉnh miền núi phía Bắc trong những năm qua không ngừng được Đảng, Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt được những kết quả to lớn toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, hạ tầng cơ sở như đường giao thông, điện nước, sinh hoạt, trường học, trạm y tế được đầu tư khá đồng bộ. Các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Do đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, nhà nước được củng cố vững chắc.
Tuy nhiên, các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số hiện nay vẫn là khu vực còn nhiều khó khăn nhất, là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với cả nước, chỉ bằng khoảng 40- 50% trung bình cả nước. Dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 55,27% trong tổng số hộ nghèo cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, vẫn còn 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo.
Nguyên nhân của những tình trạng trên là do vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chi phí cho sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên khó khăn để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự đồng bộ. Phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển còn bất cập, phân bổ nguồn lực cũng chưa hợp lý.
Cần đầu tư cho hạ tầng giao thông
Cao Bằng là tỉnh duy nhất chỉ có đường bộ, đường nhỏ hẹp, quanh co, đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn. Điều này đã làm cản trở sự phát triển cũng như kết nối với các địa phương trong vùng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, các vùng khác có đầy đủ hệ thống giao thông như đường biển, đường không, đường sắt, đường bộ, đường cao tốc.
Vốn đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi 5 năm qua là rất thấp, nhất là vốn về đầu tư hạ tầng. Do đó, theo ông Bế Minh Đức, để phát huy hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm nghiên cứu, có cơ chế đặc thù trong đầu tư, phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm cho các địa phương, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện khó khăn.
Ngoài ra, điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển của các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số chính là hạ tầng giao thông. Vì vậy, Chính phủ nên ưu tiên bố trí vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối khu vực miền núi, tạo điều kiện cho kết nối liên vùng, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế cửa khẩu, phát triển du lịch dịch vụ, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.