GS.TS. Ngô Thế Dân (thứ 3 từ dưới lên) thăm Nông trường Tam Đảo của VinEco.
GS.TS.Ngô Thế Dân phân tích: Trên các phương tiện truyền thông, có các ý kiến khác nhau về khái niệm “nông sản sạch”. Nhiều người cho rằng nông sản sạch là nông sản không bị “nhiễm bẩn” bởi các tác nhân độc hại, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng và nông sản sạch đồng nghĩa với nông sản an toàn (ví dụ, rau an toàn được gọi tắt là rau sạch). Một số người khác lại cho rằng, nông sản sạch là nông sản hữu cơ, được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, không dùng hóa chất tổng hợp như phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, chất bảo quản, vật liệu biến đổi gen…
Trên thế giới, đặc biệt là tại một số nước phát triển cao như Mỹ, EU…, nơi mà an toàn thực phẩm luôn được đảm bảo tốt cũng có các khái niệm tương tự, đó là “clean food” (thực phẩm sạch), “clean eating” (ăn sạch). Từ những năm 1990, tại các nước này đã xuất hiện một trào lưu sử dụng “clean food”. Nhiều khách sạn, nhà hàng chuyên cung cấp “clean food” với giá cao hơn bình thường. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn hiểu khác nhau về khái niệm “clean food- thực phẩm sạch”.
Những người hiểu theo nghĩa hẹp thì cho rằng thực phẩm sạch là thực phẩm giữ được chất lượng tự nhiên vốn có của nó, không nhiễm các hoá chất của quá trình chế biến, bảo quản, kể cả các hoá chất này được pháp luật cho phép sử dụng và không bị lạm dụng.
Nhiều người khác hiểu theo nghĩa rộng lại cho rằng, ngoài các yêu cầu nói trên, thực phẩm sạch còn phải có tính nhân văn, được sản xuất bởi những người có “lương tâm sạch” (chấp hành tốt pháp luật, có ý thức bảo vệ môi trường, vì lợi ích người tiêu dùng…). Người mua trả giá cao hơn cho người sản xuất thực phẩm sạch không phải chỉ vì thực phẩm sạch an toàn hơn và tốt hơn cho sức khoẻ của người tiêu dùng mà còn có ý nghĩa nhân văn, đó là muốn góp phần bảo vệ môi trường và khuyến khích những người thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Gần đây, cụm từ “nông nghiệp sạch” đã được sử dụng trong một văn bản pháp quy của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đó là Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.
Văn bản này đã xác định danh mục các dự án nông nghiệp sạch bao gồm các dự án đáp ứng một trong số các tiêu chí: Dự án thực hiện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; dự án của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP; dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương (VietGAP, GlobalGAP…).
Căn cứ văn bản nói trên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT có thể thấy, nông sản sạch (kết quả của sản xuất nông nghiệp sạch) là “nông sản an toàn được sản xuất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm; ứng dụng công nghệ cao hoặc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt”.
Đặc điểm chung của nông sản sạch, trong đó có nông sản thực phẩm là đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.
Như vậy, có nhiều cách thức khác nhau để sản xuất ra nông sản sạch và khái niệm về nông sản sạch. Hiện, ở Việt Nam vẫn chủ yếu nhấn mạnh đến khía cạnh an toàn thực phẩm.
Theo: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn