01:46 EST Thứ tư, 27/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Cần thực hiện nhiều giải pháp phát triển theo chuỗi giá trị nông sản

Thứ tư - 06/06/2018 20:20
Chiều 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ảnh VGP/Nhật Bắc

Không có "vùng cấm" trong xử lý sai phạm đầu tư công

Đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) chất vấn, qua kiểm toán phát hiện có nhiều vi phạm trong đầu tư công, kiến nghị thu hàng nghìn tỷ đồng. Chính phủ xử lý vấn đề này như thế nào?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Đại biểu nêu thực trạng rất đúng. Trong các dự án đầu tư công có nhiều dự án thực hiện tốt. Tuy nhiên không ít dự án đầu tư công yếu kém, sai sót. Khi lập dự án thì chi phí đầu vào “khiêm tốn”, nhưng thi công kéo dài. Cá biệt có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư đến 36 lần, như đại biểu mới nêu vừa qua.

Trước tình hình này, Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm quyết định của Trung ương, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong chi tiêu ngân sách, trong đầu tư công.

Về sai phạm, quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Trên cơ sở kết quả của kiểm toán nhà nước, các cơ quan chức năng sẽ xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân theo quy định; không chỉ xử lý tài chính mà có vụ chuyển qua cơ quan điều tra.

Về thể chế, Chính phủ dự kiến ban hành Nghị định mới sửa đổi Nghị định về đầu tư công, dự kiến ban hành trong tháng 6; đồng thời trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công trong thời gian tới.

Khả năng cân đối ngân sách để cải cách tiền lương

Chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hoá) cho rằng,Chính phủ 3 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương. Nay Trung ương đã có Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ: Khả năng cân đối để cải cách tiền lương? Có làm tăng trần nợ công không? Giải pháp kiềm chế chỉ số giá sinh hoạt khi tăng tiền lương?

Trả lời đại biểu Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề được quan tâm hiện nay. Dư luận phấn khởi khi Trung ương ban hành Nghị quyết về cải cách tiền lương, nhưng tăng thế nào, nguồn đâu tăng lương, tăng lương có ảnh hưởng chỉ tiêu kinh tế vĩ mô hay không? 

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ có tính toán cân nhắc trình Trung ương thảo luận và quyết định. Mặc dù tăng lương không phải là toàn bộ vấn đề cải cách nhưng là vấn đề cốt lõi và được quan tâm.

Để tăng lương, giải pháp tiền đề là phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế hệ thống chính sách tiền lương; biện pháp đột phá là quyết liệt tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách; giải pháp tài chính mà căn cơ nhất là tăng thu, chống thất thu, tiết kiệm chi tiêu, dành tỷ lệ tăng thu để cải cách tiền lương... 

Quá trình cân đối Chính phủ dựa vào Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị để tính toán trả lương mà vẫn đảm bảo trần nợ công 65%, kiểm soát được chỉ số lạm phát. Tăng lương gắn với tăng năng suất lao động thì tăng CPI không lớn, vừa đáp ứng cải cách tiền lương vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thận trọng, phù hợp

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chất vấn Phó Thủ tướng 2 câu hỏi: Trải qua hơn nửa nhiệm kỳ, xin Phó Thủ tướng cho biết những nhiệm vụ nào được coi là khó hoàn thành hơn cả, thách thức nào đặt trên vai Chính phủ, giải pháp nào để Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ?

Quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào về việc tăng tuổi nghỉ hưu, liệu có làm giảm cơ hội việc làm của người trẻ hay không trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang rất cao? 

Cho rằng “hai câu hỏi của đại biểu quá khó”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hiện Chính phủ chưa tổng kết chương trình hành động nhiệm kỳ. Nhưng với phương châm liêm chính, kiến tạo, hành động, vì người dân thì ngay đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã đề ra 6 nhóm giải pháp hành động.

Trong đó 2 thách thức lớn, một là đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Không cách nào khác là thực hiện nghiêm nghị quyết của Quốc hội. Đây là nhiệm vụ khó khăn nên thời gian tới Chính phủ nỗ lực nhiều hơn. Việc thứ hai là phát triển con người, cũng là việc rất khó.

Về tăng tuổi nghỉ hưu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là vấn đề này nhạy cảm, đụng chạm đến hàng chục triệu người. 

Theo Phó Thủ tướng, giải quyết việc này phải có lộ trình chặt chẽ, không tạo sốc cho thị trường lao động. Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải dựa vào tổng thể nhiều yếu tố như: Tạo việc làm mới cho người bước vào thị trường lao động; bảo đảm cơ cấu ngành nghề vì có ngành muốn nghỉ sớm; vấn đề già hoá dân số; bình đẳng giới; vấn đề cân đối quỹ bảo hiểm xã hội... 

Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết Trung ương quyết định từ năm 2021 thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình thận trọng và phù hợp. Sau này khi tiến hành sửa Luật Lao động thì Quốc hội sẽ quyết định.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)

Không bỏ quên xã hội, không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế

Chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu vấn đề: Cử tri đánh giá cao thành tựu kinh tế của đất nước ta trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhưng vấn đề xã hội chưa ngang tầm với chấn hưng văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này và sắp tới, Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ nào để khắc phục?

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng cho biết, vấn đề xã hội luôn được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, kỳ họp nào cũng thảo luận, nhưng kỳ này đặc biệt nhiều đại biểu lo lắng kinh tế phát triển nhưng đạo đức xuống cấp. Chính phủ, Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu và đồng bào cử tri về lo lắng này. 

Phó Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước luôn xác định chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, nhưng phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng là trọng yếu và thường xuyên. 

Cách đây 20 năm, Trung ương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tại Hội nghị Trung ương 9, Khóa XI, Bộ Chính trị đã trình Trung ương đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết này và ban hành Nghị quyết mới về xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Nghị quyết này cũng đánh giá, so với kinh tế, chính trị, an ninh đối ngoại, thì phát triển văn hóa thì chưa ngang bằng. Quan điểm của Đảng là đặt văn hóa ngang tầm phát triển kinh tế. Chính phủ cũng khẳng định, trong phát triển kinh tế, cũng bảo đảm phát triển bền vững, dựa trên ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. “Không bỏ quên xã hội, không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế”, Phó Thủ tướng nói. 

“Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ cùng với Ban Cán sự đảng Chính phủ và các thành viên Chính phủ rà soát, sắp xếp lại toàn bộ chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Trung ương 9, Khóa XI”, Phó Thủ tướng cho biết. 

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, hiện nay vấn đề xã hội diễn biến phức tạp, nhưng mặt tích cực vẫn là chủ đạo, chỉ có một số vụ việc đạo đức xã hội xuống cấp. “Chúng ta cũng không quá bi quan, thành tựu KT-XH năm 2017 được đánh giá là hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ đề ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn.
Đặc khu phải đặc biệt

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình): Nếu Quốc hội thông qua luật về đặc khu thì tiêu chí tuyển chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu đặc khu như thế nào?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, "đã là đặc khu thì cái gì cũng phải đặc biệt, cán bộ cũng phải đặc biệt".

Phó Thủ tướng cho biết, trong dự thảo luật đã đề xuất quy định lựa chọn Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ, theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định và HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn.

Với quy trình chặt chẽ như thế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng sẽ chọn người đủ đức, đủ tài chèo lái đặc khu.

Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai)

Quyết liệt bảo đảm chất lượng, giảm giá thuốc

Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Mùa A Vàng, Giàng A Chu, Giàng Thị Bình, Huỳnh Thanh Phương,... chất vấn Phó Thủ tướng về công tác phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng; quyết tâm của Chính phủ trong phòng chống tham nhũng; giải pháp bảo vệ thương hiệu sản phẩm cà phê, tiêu và các sản phẩm nông nghiệp khác;...

Về giải pháp ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt là vụ thuốc ung thư giả... trước tình hình này, một mặt Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm, đồng thời tăng cường công tác quản lý về mặt nhà nước,...

Đồng thời tăng cường công tác đấu thầu thuốc tập trung tại 2 kênh Bộ Y  tế, BHXH Việt Nam,... để bảo đảm chất lượng thuốc đầu vào, giảm chi phí giá thuốc (trong đó giá thuốc giảm 15-20%, giá biệt dược cũng giảm 13-14%); tăng cường công tác quản lý chất lượng và quy trình kê đơn, bán thuốc... 

Vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo và triển khai kết nối công nghệ thông tin giữa cơ sở điều trị với nhà thuốc để truy xuất nguồn gốc thuốc;... Tinh thần là Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm bảo đảm chất lượng và giảm giá thuốc.

Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí

Về vấn đề chống tham nhũng, Phó Thủ tướng cho biết công cuộc này vừa qua đã đạt được những kết quả to lớn, được đồng bào cử tri ủng hộ, quốc tế đánh giá cao. Việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng không ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Chính vì vậy, năm qua chúng ta đạt được thắng lợi toàn diện cả về tăng trưởng kinh tế, cả về phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và kết quả thanh tra đã báo cáo trước Quốc hội. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố nhiều vụ án về tham nhũng... 

Trong thời gian tới Chính phủ nghiêm túc thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc này.


Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái).

Phát triển các chuỗi giá trị nông sản

Về giải pháp phát triển bền vững trong điều kiện độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn, Phó Thủ tướng cho biết, việc đầu tiên là củng cố sự vững chắc về kinh tế vĩ mô, gia tăng sự chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng,... Đồng thời tiến hành xây dựng đề án đánh giá rủi ro và giải pháp phát triển bền vững trong thời gian tới.

Về bảo vệ thương hiệu nông sản chủ lực, Phó Thủ tướng cho biết, năm ngoái chúng ta xuất khẩu nông sản đạt trên 34 tỷ USD, năm nay đặt mục tiêu 40 tỷ USD. Để bảo vệ thương hiệu nông sản Việt, thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, chúng ta sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển theo chuỗi giá trị nông sản, cung ứng sản phẩm an toàn. 

Theo đó, cần thực hiện một loạt giải pháp cả về: Quy hoạch vùng sản xuất; đẩy mạnh chế biến, bảo quản; mở rộng thị trường, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành hàng, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn từng ngành hàng, đẩy mạnh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát chặt chẽ bảo đảm chất lượng nông sản,...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Trước khi trả lời chất vấn, thay mặt Chính phủ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã gửi 93 phiếu chất vấn các thành viên Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản gửi đến các vị ĐBQH. Hơn 2 ngày qua, đã có 4 Bộ trưởng, 2 Phó Thủ tướng và ... thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn tại hội trường.

Chính phủ, các thành viên Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH và đồng bào, cử tri cả nước, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành, nỗ lực cao nhất phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, tài chính ngân sách năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tình hình KT-XH tiếp tục xu hướng tích cực

Cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018, Báo cáo cho biết, tình hình KT-XH tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực.

Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,55% (chủ yếu do tăng giá xăng dầu và giá thịt lợn hơi), bình quân 5 tháng tăng 3,01%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%.

Tín dụng 5 tháng tăng 5,8%, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Xuất khẩu 5 tháng đạt trên 93 tỷ USD, tăng 15,8%; xuất siêu 3,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, tăng 13,6%, bằng 41,6% dự toán.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6,75 tỷ USD, tăng 9,8%. Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. 

Nông nghiệp được mùa, giá bán tăng, nông dân có lãi, đời sống được cải thiện; riêng sản lượng lúa Đông Xuân phía Nam ước đạt 13,3 triệu tấn, tăng trên 1 triệu tấn; sản lượng thủy sản tăng 6,7%.

Sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 9,7%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 11,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1%, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%. Khách quốc tế đạt trên 6,7 triệu lượt, tăng 27,6%. Trong 5 tháng có trên 52 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt 1,42 triệu tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm và có chuyển biến tích cực. Tạo việc làm cho trên 640 nghìn lao động, trong đó đưa 48 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, KT-XH nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng cao hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng mới đạt 22,5% dự toán. Nhập siêu của khu vực trong nước cao. Cắt giảm thủ tục hành chính nhiều nơi chưa đạt yêu cầu; chi phí logistics, vận tải, kho bãi... còn cao. Xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp. Tình hình khiếu nại, khiếu kiện, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng giải trình thêm về 4 nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, chất vấn. 

Đầu tư BOT và xử lý tồn tại các dự án BOT

Trước hết, về vấn đề đầu tư BOT và xử lý tồn tại các dự án BOT, Báo cáo nêu rõ: Huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn, được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 13-NQ/TW (khóa XI) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đối với kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan (trong đó có Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư BOT); thực hiện nghiêm Nghị quyết số 437 của UBTVQH, sớm nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành công khai, minh bạch quá trình thực hiện dự án, nhất là việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.

Về xử lý tồn tại của các dự  án BOT, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Tăng cường kiểm tra, giám sát đất đai, môi trường

Về quản lý đất đai, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách về đất đai, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tăng cường quản lý và hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai. Chú trọng giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường, trước hết tại các khu công nghiệp. Xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường để lựa chọn, sàng lọc loại hình, công nghệ trong thu hút đầu tư. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường hợp tác quốc tế; giám sát tác động môi trường xuyên biên giới; có giải pháp ngăn chặn hiệu quả dịch chuyển công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý đất đai, môi trường; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Xây dựng cơ chế đối tác công tư, ưu đãi đầu tư đối với các dự án ứng phó biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu; chú trọng các giải pháp phòng chống sạt lở, chống xâm nhập mặn và xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính đột phá về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Về nâng cao chất lượng giáo dục đại học, phổ thông, quản lý giáo dục mầm non và đạo đức, lối sống trong nhà trường, Chính phủ sẽ quyết liệt sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII.

Trình Quốc hội cho ý kiến các dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao tự chủ tài chính, có lộ trình phù hợp tính đúng, tính đủ chi phí đối với dịch vụ giáo dục, y tế gắn với giải pháp hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học theo các định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành, đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thực hiện kiểm định, công khai các điều kiện về chất lượng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các sản phẩm khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn.

Đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông và sắp xếp hợp lý các điểm trường, lớp ở vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng, hướng tới tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.


Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện

Điều chỉnh quy định về quy mô, tăng cường quản lý ở các nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục. Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em theo hướng phát triển toàn diện, phát huy tính sáng tạo. Hoàn thiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non.

Có chính sách phù hợp tuyển dụng, đãi ngộ giáo viên và phát triển cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ khuyết tật và tại các khu công nghiệp. Khắc phục ngay những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và tình trạng bạo hành trẻ em; xử lý nghiêm khắc các vi phạm.

Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học; tạo môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường. Nâng cao đạo đức nhà giáo, phát huy dân chủ, đưa quy tắc ứng xử vào trong nội quy trường học. Chú trọng tư vấn tâm lý học đường.

Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh, nhất là giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống, kiến thức pháp luật, ý thức công dân và trách nhiệm xã hội.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các vụ việc bạo hành thể chất, tinh thần đối với học sinh. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời tôn vinh, tuyên dương khen thưởng gương người tốt, việc tốt.

Nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu

Về thị trường lao động, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng dạy nghề, chăm sóc bảo vệ trẻ em, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường lao động, bảo đảm liên thông, minh bạch, gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Nâng cao năng suất lao động nội ngành và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động tương thích với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hoàn thiện hệ thống thông tin kết nối cung cầu thị trường lao động. Mở rộng thị trường lao động nước ngoài bền vững. Xử lý nghiêm các vi phạm trong việc môi giới, đưa người lao động ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp.

Nắm bắt cơ hội của toàn cầu hóa, xu hướng phát triển khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới phương pháp, nội dung và cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, nhất là triển khai chương trình đào tạo lại có hiệu quả.

Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Báo cáo của Chính phủ khẳng định: Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm và thực hiện mọi biện pháp tốt nhất để bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Mọi hành vi bạo hành, lạm dụng, xâm hại trẻ em phải được xử lý nghiêm minh.

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị và đề nghị các đoàn thể nhân dân vào cuộc, chung tay thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong gia đình, nhà trường và xã hội theo phương châm: “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”.

Quốc hội ghi nhận tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ

Ngay sau phần trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu bế mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua các phiên chất vấn cho thấy, các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri, dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm.

Nhìn chung, các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn. Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn ”hỏi ngắn, đáp gọn” tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao.

Tại các phiên chất vấn, đã có hơn 250 đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn hầu hết các câu hỏi đặt ra.

Mặc dù Quốc hội đã dành ba ngày để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhưng vẫn còn nhiều đại biểu đặt câu hỏi mà các thành viên Chính phủ không có đủ thời gian để trả lời trực tiếp tại hội trường. 

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã thể hiện tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề, tích cực tranh luận để làm rõ thêm về nội dung chất vấn, nhưng cũng còn một số đại biểu đặt nhiều câu hỏi, hỏi nhiều nội dung trong câu chất vấn, chất vấn quá thời gian quy định, đăng ký tranh luận nhưng lại đặt câu hỏi.

Các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nắm chắc tình hình, thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời thẳng thắn, giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình, cam kết khắc phục những hạn chế, bất cập nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. 

Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn; trong chỉ đạo, điều hành khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội. 

Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ vì hạnh phúc của nhân dân

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có nhiều vấn đề nổi lên. Một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát, nhưng chuyển biến còn chưa đạt yêu cầu như mong đợi; do vậy, cần phải có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo chuyển biến thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. 

Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, Quốc hội, các đại biểu Quốc hội không chỉ nêu ra các tồn tại, hạn chế, bất cập mà còn thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển KT-XH, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Trong những vấn đề Quốc hội, cử tri yêu cầu có nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành có thể chấn chỉnh, triển khai ngay, nhưng còn có những nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần phải xem xét sửa đổi chính sách, pháp luật để triển khai một cách đồng bộ thì mới phát huy hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau Kỳ họp này, UBTVQH sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau. 

Theo: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 135

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 132


Hôm nayHôm nay : 25564

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1285391

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71512706