Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)
? Ngày 18/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, ngày 26/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, xin ông cho biết ý nghĩa của việc ban hành Nghị định và Quyết định này?
Ông Nguyễn Quang Huyền: Bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai thí điểm giai đoạn 2011-2013 theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn thí điểm, bảo hiểm nông nghiệp được triển khai đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra) tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sau 3 năm thực hiện (2011-2013), chương trình thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực như đã thiết lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp; hình thành được 3 sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp bao gồm cây lúa, vật nuôi và thủy sản phù hợp với đặc tính của từng loại sản phẩm; Đã thu hút được các hộ dân ở các huyện, xã được lựa chọn thực hiện thí điểm của 20 tỉnh, thành phố tham gia, trong đó: Bảo hiểm cây lúa: 236.396 hộ nông dân (76,5% hộ nghèo, 16,8% hộ cận nghèo, 6,7% hộ thường); Bảo hiểm vật nuôi: 60.133 hộ nông dân (84,1% hộ nghèo, 9,8% hộ cận nghèo, 6,1% hộ thường); Bảo hiểm thủy sản: 7.487 hộ nông dân (27,4% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo, 68,6% hộ thường).
Trong quá trình triển khai các DNBH đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho người dân khi xảy ra tổn thất góp phần giúp người dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Kết quả đạt được của giai đoạn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là do có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự ủng hộ của các địa phương, nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai (Bảo Việt, Bảo Minh và Vinare). Trên cơ sở tổng kết thực hiện giai đoạn thí điểm và tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thống nhất và các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp.
Nghị định số 58/2018/NĐ-CP được ban hành, bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.
? Nghị định số 58/2018/NĐ-CP quy định Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, xin ông cho biết rõ hơn về nội dung này, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Huyền: Nghị định số 58/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.
Nghị định số 58/2018/NĐ-CP quy định khung tiêu chí về đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ, mức hỗ trợ, rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ. Căn cứ vào các tiêu chí này và khả năng cân đối ngân sách, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định cụ thể về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trong từng thời kỳ (Điều 22 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP). Theo đó, ngày 26/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg) với các nội dung cụ thể:
Về đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ đối với cây trồng là cây lúa; Vật nuôi là Trâu, bò; Nuôi trồng thủy sản là Tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Về mức hỗ trợ đối với cá nhân SXNN thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo là 90% phí BHNN; Cá nhân SXNN khác là 20% phí BHNN; Tổ chức SXNN đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường là 20% phí BHNN.
Về rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ phí BHNN: Đối với cây lúa và trâu, bò, hỗ trợ rủi ro thiên tai và một số dịch bệnh; Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, hỗ trợ rủi ro thiên tai (Thiên tai và dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Về địa bàn được hỗ trợ phí BHNN: Đối với cây lúa tại 7 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp); Đối với trâu, bò tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương); Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại 5 tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau). Về cơ bản các địa phương này đã triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong giai đoạn thí điểm.
? Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách về bảo hiểm nông nghiệp đã mang lợi ích cho hộ dân sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp bảo hiểm như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Huyền: Có thể nói Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách về bảo hiểm nông nghiệp là tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đồng thời, nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.
? Xin ông cho biết, để phổ biến những quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, Bộ Tài chính đã có những hành động cụ thể nào thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Huyền: Để triển khai các chính sách này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phổ biến chính sách về bảo hiểm nông nghiệp” tại Hà Nội ngày (12/8) cho sở ban ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm. Tiếp đó, ngày (23/8) Hội nghị phổ biến chính sách về bảo hiểm nông nghiệp được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cho các tỉnh: Bình Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái Bảo hiểm và môi giới Bảo hiểm... Hội nghị được tổ chức nhằm phổ biến các nội dung liên quan đến chính sách về bảo hiểm nông nghiệp để người dân và doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và triển khai có hiệu quả chính sách này.
Ngoài ra, Bộ Tài chính có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương để kịp thời phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, ngày 3/9/2019, Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 1749 Quyết định về việc thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan về tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm: Các nhiệm vụ của Bộ Tài chính theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp; Phối hợp tổ chức khảo sát, làm việc với các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp để nắm bắt tình hình thực tế, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ; Trao đổi, làm việc với các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp nhận sự trợ giúp kỹ thuật cho công tác triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; Chuẩn bị đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; Đề xuất xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn sau năm 2020.
Xin cảm ơn ông!
PL (Thực hiện)/https://portal.mof.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn