Ở tỉnh Hà Nam có một cánh đồng liên kết “4 nhà” SX lúa giúp nông dân tăng lợi nhuận, đảm bảo tính bền vững cao khi có “bà đỡ” cả khâu đầu vào lẫn đầu ra.
Đó là mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) SX lúa chất lượng cao LH12 tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, quy mô 50 ha, do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp VN) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT Hà Nam thực hiện.
“4 nhà” cùng vào cuộc
Những ngày đầu vận động sử dụng giống lúa mới LH12, kỹ thuật gieo cấy mới (chia luống và sạ thưa tiết kiệm giống), mặc dù được hỗ trợ toàn bộ vật tư, phân bón nhưng nông dân xã Lê Hồ vẫn rất ngần ngại.
Người ta xì xào bảo nhau, đã có nhà nước “bảo hiểm” cho rồi, dù lúa có lép quẹp thì vẫn chẳng thiệt đi đâu mà sợ, cứ thử một lần xem sao.
Do có cán bộ nông nghiệp “kèm cặp” tận ruộng, dù gieo sạ thưa nhưng ruộng lúa vẫn đều tăm tắp và đầy bông. Được bón phân hợp lý và cân đối, lúa phát triển tốt, gần như không có sâu bệnh.
Ông Tăng Xuân Hòa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hà Nam) cho biết: Áp dụng giống lúa mới với kỹ thuật gieo sạ cải tiến do Trung tâm CGCN&KN hướng dẫn, mỗi sào ruộng chỉ mất khoảng 1,2 kg lúa giống, thay vì 3 - 4 kg lúa giống/sào như phương thức cấy truyền thống.
Lúa thu nhận được nhiều ánh sáng và khoảng trống nên hạn chế bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, khô vằn, rầy nâu…, đẻ nhánh khỏe, 1m2 có khoảng 280 - 285 bông, mỗi bông khoảng 150 hạt chắc, tỷ lệ hạt lép rất thấp.
“Qua đánh giá các chỉ tiêu cấu thành năng suất, chúng tôi nhận định năng suất bình quân của mô hình SX lúa LH12 tại xã Lê Hồ trong vụ xuân 2015 đạt khoảng 7,1 tấn/ha, cao hơn năng suất lúa bình quân của toàn tỉnh từ 10 - 15%.
Nhưng sau khi thu hoạch và đong đếm thực tế, nông dân phản ánh rằng, năng suất phải cao hơn thế”, ông Hòa chia sẻ.
Hạt gạo LH12 nhỏ, dài, trong, cơm ngon, chất lượng chỉ thua Bắc thơm 7 một chút, vị đậm, thơm nhẹ, hợp khẩu vị của người tiêu dùng nên được DN “săn đón”.
“Sự thành công của mô hình đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân trong việc áp dụng TBKT mới vào SX lúa chất lượng. Các đại biểu đều đánh giá ưu điểm của mô hình CĐML là tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng đồng đều, chi phí SX giảm, năng suất tăng, hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Lê Quốc Thanh, GĐ Trung tâm CGCN&KN.
Gắn bó với các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên SX lúa chất lượng cao LH12, ông Trương Văn Hiền, TGĐ TCty Vật tư nông nghiệp Nghệ An) chia sẻ: “Từ thành công của mô hình, nếu nông dân và các địa phương có nhu cầu nhân rộng trong thời gian tới, chúng tôi đảm bảo sẽ tạm ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá thu mua lúa LH12 cao hơn ít nhất 10% so với giá lúa Khang dân 18 ở cùng thời điểm”.
Lợi nhuận cao
Ông Nguyễn Xuân Dũng, PGĐ Trung tâm CGCN&KN chia sẻ: Mô hình CĐML ở xã Lê Hồ có nhiều điểm mới. Ngoài việc tổ chức liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà, mô hình tập trung được gói kỹ thuật tiến tiên như gieo cấy cùng 1 giống; áp dụng cùng 1 biện pháp kỹ thuật gieo sạ thưa và đều bằng kỹ thuật sạ chia luống, sử dụng lượng giống ít; sử dụng phân bón NPK mới, áp dụng cơ giới hoá...
Điều đó không chỉ giảm được chi phí vật tư đầu vào, công lao động mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân lên 25 -30%.
Đại diện đơn vị chủ trì dự án Xây dựng CĐML tại các vùng trồng lúa chủ yếu, TS. Trần Văn Khởi, PGĐ Trung tâm KNQG nhận định: “Với mô hình này, chúng ta đã tìm ra được một giống lúa mới có chất lượng tốt, khả năng chống chịu với điều kiện sâu bệnh, đặc biệt là đạo ôn, rầy nâu, bạc lá và sâu cuốn lá…, cho năng suất cao. Đây là mô hình điểm trong 8 tỉnh thực hiện dự án ở các tỉnh phía Bắc.
Ông Nguyễn Quốc Đạt, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nam tin tưởng rằng, trong vụ mùa tới, dù không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước thì bà con nông dân và DN vẫn sẽ gắn kết chặt chẽ với nhau để duy trì và mở rộng SX.
Theo: nongnghiep.vn