Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, để phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại 2 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã phê duyệt “Đề án phát triển cây sơn tra tại hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu giai đoạn 2016 - 2020” với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng.
Theo đó, đến năm 2020, trồng mới 6.200 ha sơn tra, diện tích sơn tra toàn tỉnh đạt 10.000 ha, sản lượng đạt 7.500 tấn. Theo như giá bán hiện nay với sản lượng sơn tra nói trên, khi ấy mỗi năm sẽ đem lại thu nhập cho người dân ở hai huyện này ước được hơn 200 tỷ đồng.
Sau 2 năm thực hiện Đề án, đến tay toàn tỉnh đã trồng mới được 2.250 ha cây sơn tra, đạt 37,5% so với kế hoạch và phấn đấu đến hết năm 2019, toàn tỉnh sản xuất được hơn 100.000 cây giống sơn tra ghép nhằm hỗ trợ người dân trồng rừng với quy mô 150 ha. Đề án hiện đã được người dân vùng cao hưởng ứng mạnh mẽ; đã mang lại hiệu quả thiết thực trước mắt cũng như lâu dài cho họ.
Trong những năm gần đây, quả sơn tra được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng do có nhiều công dụng và chữa các loại bệnh như: khó tiêu, máu nhiễm mỡ, hạ huyết áp, mạch vành…và chế biến thành siro, rượu, mứt. Mỗi năm hàng vạn tấn quả bà con thu hái, được các thương lái đánh xe lên tận vườn để thu mua đem về xuôi tiêu thụ đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2016, quả sơn tra đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với tên gọi "Sơn tra Mù Cang Chải”.
Năm 2017, giá bán sơn tra ổn định ở mức cao, giá trung bình khoảng 20 – 30 nghìn đồng/kg. Nhờ trồng cây sơn tra mà hàng nghìn hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở 2 huyện Trạm Tấu và Văn Chấn có cuộc sống ổn định và khấm khá hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh có hơn 6.100 ha sơn tra, tập trung tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn. Hiện, sơn tra đang là một nguồn thu không nhỏ đối với nhiều hộ dân vùng cao, nhất là đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Cây sơn tra không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có tác dụng trong việc trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, giữ đất, giữ gìn nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với mục tiêu phát triển kinh tế song song phát triển và bảo vệ rừng; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao Yên Bái./.