Những vấn đề đáng chú ý được đề cập trong Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là quy định về góp vốn của thành viên, tài sản, quy định được thành lập công ty thành viên, chính sách hỗ trợ của nhà nước với HTX…
Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Dự thảo Luật HTX sửa đổi quy định, vốn góp tối đa của thành viên không vượt quá 20% vốn điều lệ của HTX (theo quy định của Luật HTX 2003 là 30%). Đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều tán thành với quy định này và cho rằng, việc quy định mức vốn góp tối đa nhằm đề cao nguyên tắc HTX phục vụ thành viên không phụ thuộc vốn góp, tạo điều kiện thu hút được thêm nhiều thành viên tham gia HTX.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, quy định như vậy là cần thiết, bởi hiện nay, nhiều HTX chỉ góp vốn trên danh nghĩa, thực chất, ông chủ nhiệm bỏ vốn hơn 90%, lấy mác HTX để được hưởng các chính sách ưu đãi đối với mô hình kinh tế này.
Liên quan đến quy định xử lý tài sản sau khi giải thể của HTX, liên hiệp HTX, đa phần ý kiến cũng đồng tình với quy định của Dự thảo là, tài sản không chia, dù có biến động về thành viên thì tài sản đó vẫn cần coi là tài sản chung của cộng đồng thành viên. Tài sản không chia được hình thành từ nhiều nguồn, như nguồn Nhà nước hỗ trợ, được tặng và đóng góp của xã viên.
Về quy định góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty, dự thảo luật cho phép các HTX, liên hiệp HTX được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với đề xuất này. Tuy nhiên, đề nghị giao Chính phủ quy định các tiêu chí để xác định việc thành lập công ty, đề phòng việc lợi dụng danh nghĩa HTX để hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước, hình thành sở hữu chéo, trái với mục đích và bản chất hoạt động của HTX.
Riêng về những ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vì HTX là một thành phần kinh tế, hợp tác sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nên đề nghị có chính sách đặc thù.
Cũng trong sáng 31/5, Chính phủ công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giá bán lẻ điện. Theo đó, hàng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm xây dựng phương án giá bán điện bình quân cho năm tiếp theo trình Bộ Công thương xem xét. Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán năm tiếp theo tăng (hoặc giảm) trong phạm vi 5% so với giá bán điện bình quân được duyệt hiện hành, EVN được phép điều chỉnh giá bán điện bình quân cho năm tiếp theo. Trường hợp giá điều chỉnh trên 5%, Bộ Công thương phê duyệt phương án điều chỉnh giá bán điện bình quân cơ sở cho năm tiếp theo sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính. Trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo chương trình dự kiến, sáng nay (ngày 1/6), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận vào ngày 6/6.