Từ trước tới nay, chăn nuôi luôn được đánh giá là ngành thế yếu, có thể bị “xóa sổ” khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam lại khẳng định, TPP hoàn toàn không tác động nghiêm trọng tới chăn nuôi Việt Nam đến thế.
PGS. TS Nguyễn Đăng Vang
Đến nay, những DN trong ngành nắm bắt thông tin về TPP như thế nào, thưa ông?
- Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như bản thân tôi, dù đã chủ động tìm tới nhiều nguồn thông tin khác nhau để nắm bắt kỹ hơn tiến trình, diễn biến cũng như nội dung đàm phán cụ thể của Hiệp định này nhưng những thông tin về TPP chưa nhiều, nhất là thông tin đề cập các tác động cụ thể tới ngành chăn nuôi.
Trao đổi với một số DN trong ngành chăn nuôi cho thấy, hầu hết DN cũng chỉ biết thông tin chung chung là khi ký kết TPP, thuế suất NK hàng hóa vào các quốc gia tham gia có thể sẽ về 0%. Do đó, DN tỏ ra lo ngại, sắp tới sẽ không cạnh tranh nổi với thịt NK ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Theo ông, ngành chăn nuôi có nhanh chóng bị “nhấn chìm” bởi cơn “sóng lớn” TPP?
- Tôi cho rằng tham gia TPP, mức thuế suất NK có thể về 0% nhưng ngành chăn nuôi cũng không nguy ngập như nhiều người vẫn tưởng. Điều này thể hiện khá rõ khi phân tích cụ thể các mặt hàng trong chăn nuôi. Thống kê của Hội Chăn nuôi cho thấy, hiện nay trong tổng số thịt sử dụng cả năm, thịt gia cầm chiếm khoảng 31-32%, thịt lợn chiếm khoảng 62%, còn khoảng 6% là thịt bò, thịt trâu.
Đối với gia cầm, nhất là gà, tập quán của Việt Nam thường ăn gà ta, thả vườn, trong khi nước ngoài chủ yếu sản xuất gà công nghiệp nên số lượng NK cũng tương đối hạn chế. Trong năm 2013, thịt gà NK vào Việt Nam cũng chủ yếu là chân gà, cánh gà, gà già thải loại... Lượng thịt sử dụng phần chính vẫn do chăn nuôi trong nước cung ứng.
Với thịt lợn, năm 2013 Việt Nam NK khoảng 3,3 nghìn tấn, chiếm 0,1% tổng số thịt lợn sử dụng, giá trị tương ứng khoảng 6,6 triệu USD. Toàn bộ các nước châu Á đều phải NK thức ăn chăn nuôi như Việt Nam nên chi phí đầu vào không rẻ hơn. Do đó, khi tham gia TPP, Việt Nam không cần e ngại cạnh tranh về mặt hàng này.
Thị trường đáng e ngại nhất là Mỹ vì đây là quốc gia có lợi thế về thức ăn chăn nuôi do có nhiều ngô và đậu tương giá rẻ. Theo tính toán sơ bộ, trong trường hợp thuế NK về0%, thịt lợn Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam rẻ hơn thịt sản xuất trong nước khoảng 15-20%. Ở góc độ này, chăn nuôi lợn của Việt Nam khó cạnh tranh nổi và sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định.
Riêng với thịt bò, thịt trâu đương nhiên Việt Nam sẽ khó cạnh tranh nổi với các quốc gia có thế mạnh về đồng cỏ, chăn nuôi công nghiệp... Tuy nhiên, lượng các loại thịt này sử dụng hàng năm chỉ chiếm khoảng 6% trong cơ cấu thịt, mức độ tác động không quá lớn.
Theo ông, trong quá trình đàm phán TPP, Đoàn đàm phán Việt Nam có nên đề xuất có riêng phần thảo luận về lĩnh vực chăn nuôi?
- Theo tài liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013, tổng giá trị ngành chăn nuôi khoảng10 tỷ USD nhưng theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, con số này phải là trên 15 tỷ USD. Chăn nuôi liên quan đến khoảng 7,5 triệu hộ nông dân. Nếu như mỗi hộ trung bình có4-5 người thì số người dân chịu ảnh hưởng từ ngành chăn nuôi khoảng 30-35 triệungười.
Với tổng giá trị toàn ngành không nhỏ và sự tác động tương đối rộng lớn, trong quá trình tham gia đàm phán TPP, Đoàn đàm phán rất cần có phần thảo luận riêng cho chăn nuôi. Trong đó chú ý vạch rõ những tác động từ các nội dung, điều khoản trong Hiệp định tới ngành chăn nuôi trong nước để có những cân nhắc, đề xuất ứng phó phù hợp.
Ông có cho rằng trong tương lai, TPP tác động tới ngành chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn nói riêng như thế nào phụ thuộc rất lớn vào những nội dung mà Đoàn đàm phán đưa ra ở hiện tại?
- Điều này khá chính xác, nhất là đối với chăn nuôi lợn. Nếu ngay trong quá trình đang đàm phán, phía Việt Nam không đề xuất những điều khoản đi kèm để bảo vệ lợi ích cho chăn nuôi lợn trong nước thì thịt lợn Việt Nam rất khó cạnh tranh với thịt NK.
Trước đây khi đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong cam kết giảm thuế suất NK, nhiều nước đã sử dụng hạn ngạch thuế quan. Đó cũng là một kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi. Ví dụ như có thể đặt ra vấn đề, lâu nay thuế NK thịt lợn vào Việt Nam là 20%, nếu ngay lập tức ký kết TPP thuế về 0% thì chăn nuôi lợn sẽ dễ sụp đổ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới 4,1 triệu hộ đang nuôi lợn ở Việt Nam.
Để không tạo ra cú sốc cho các hộ chăn nuôi, có thể đề xuất rằng, nếu Việt Nam vẫn NK trung bình khoảng 3,3 nghìn tấn thịt lợn mỗi năm, thuế sẽ giữ nguyên mức 20%. Trong trường hợp Việt Nam NK thêm những lượng thịt nhất định nào đó, thuế NK phần nhập thêm sẽ giảm xuống 10%, 5%, dần dần xuống tới 0%. Cách thức này sẽ giúp chăn nuôi Việt Nam đảm bảo vừa hội nhập, vừa ổn định sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Nguyễn/ Báo Hải Quan