Nuôi tôm VietGAP lãi tiền tỷ mỗi năm
Là địa phương có thế mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, những năm qua UBND huyện Hậu Lộc cũng như Sở NNPTNT Thanh Hóa luôn khuyến khích và tăng cường hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc Nguyễn Văn Tuấn cho biết, đến tháng 7/2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Hòa Lộc đã tăng lên 97ha. Nhiều gia đình ở xã Hòa Lộc cũng đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đồng muối, đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thâm canh.
Nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP cho chất lượng thịt ngon hơn, sạch hơn. Ảnh: IT
Hiện tại, xã Hòa Lộc đã có 3,6 ha nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao như nuôi tôm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap trong nhà lưới, nhà bạt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nuôi tôm truyền thống. Vụ nuôi tôm Xuân - Hè năm 2019, xã Hòa Lộc tiếp tục chỉ đạo người dân chuyển một số diện tích đất sản xuất muối kém hiệu quả và vùng ven đê nhiễm mặn sang sản xuất mô hình trang trại tổng hợp như lúa - cá, mở rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điển hình trong số các hộ nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP có gia đình anh Đỗ Văn Hải (thôn Bái Trung, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc).
Là kỹ sư thủy sản của Đại học Thủy sản Nha Trang, anh Hải đã từng có một khoảng thời gian dài lăn lộn khắp các đầm nuôi tôm ở các tỉnh Bến Tre, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... để học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi cũng như tìm kiếm cơ hội để đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, làm ăn xa nhà gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, đầu tư nên anh Hải quyết định về quê để lập nghiệp, mong muốn làm giàu, đóng góp xây dựng quê hương.
Năm 2016-2017, gia đình anh Hải nhận thầu của xã Hòa Lộc 2,8 ha vốn là diện tích đất đồng muối kém hiệu quả và bắt đầu thực hiện ý tưởng lập nghiệp trên mảnh đất quê hương bằng việc phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tiêu chuẩn VietGAP, theo quy trình vi sinh, không sử dụng kháng sinh, chất cấm. Gia đình đã vay ngân hàng đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi đồng bộ, hiện đại với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng, nuôi 2 - 3 vụ/năm.
Với mỗi ha nuôi, anh Hải chia làm nhiều ô để dễ quản lý; trong đó dành một phần diện tích làm hồ lắng, lọc nước biển. Nước biển trước khi dẫn vào các ao nuôi phải qua 2-3 công đoạn lắng lọc tại hồ lắng. các quy trình xử lý nước. Phương pháp lắng, lọc nước trước khi cấp vào ao nuôi giúp nâng cao chất lượng nước, giảm bớt tối đa sự phát sinh mầm bệnh, tăng năng suất tôm nuôi.
Với việc được đào tạo cơ bản trong trường Đại học, kinh nghiệm những năm làm kỹ thuật các tỉnh trong Nam, cộng với việc đầu tư quy mô, hiện đại, kỹ thuật chăm sóc tốt nên con tôm trong đầm của anh phát triển tốt, đều, không bị dịch bệnh. Năm đầu tiên, 1 ha tôm thẻ chân trắng của anh bội thu cả 2 vụ với sản lượng khoảng 30 tấn/hecta/vụ, sau khi trừ chi phí, anh Hải nắm chắc trong tay 3-4 tỷ đồng lãi ròng.
Hiện nay, tổng diện tích trang trại là 12ha, trong đó, diện tích nuôi tôm là 7ha, diện tích ao lắng 5ha. Thị trường tiêu thụ tôm của gia đình anh Hải cũng khá ổn định và đa dạng, ngoài cấp đông xuất bán cho thị trường Trung Quốc, anh còn bán cho các khu du lịch, các chợ đầu mối ở các tỉnh miền Bắc. Không chỉ làm giàu cho gia đình, hộ anh Hải còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên... Ngoài ra, để phát huy hiệu quả mô hình, anh Hải còn giúp đỡ các hộ nuôi trồng khác trong xã về khâu kỹ thuật, cung cấp vật tư, nguồn giống, thức ăn...
Lợn sạch nhờ VietGAP
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh, thôn Cây Xy, xã Cấp Tiến (Sơn Dương – Tuyên Quang) với quy mô 500 con/lứa và 100 lợn nái đã được cấp chứng nhận VietGAP. Chị Nguyễn Thị Thịnh cho biết, khi chưa áp dụng đầy đủ quy trình phòng, chống dịch bệnh nên tỷ lệ hao hụt đầu còn cao, tốc độ tăng trưởng của đàn vật nuôi chậm, hiệu quả chăn nuôi đạt thấp.
Năm 2017, được sự tư vấn, hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh, gia đình chị bắt đầu áp dụng quy trình VietGAP. Theo chị Thịnh, thời gian đầu áp dụng, cảm thấy rất gò bó, bởi những tiêu chuẩn, quy chuẩn: Quy trình tiêm vắc xin, khử trùng tiêu độc chuồng trại; đánh số theo dõi đối với từng ô chuồng, từng lô lợn đưa vào nuôi; nhập, sử dụng thức ăn, thuốc thú y cũng phải nhật ký.
Trang trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Cao Văn Dương, thôn Tân Biên 1,xã Tiến Bộ (Yên Sơn).
Song sau 1 thời gian thực hiện chị Thịnh đã thấy sự thay đổi tích cực so với cách nuôi theo phương thức cũ, đàn lợn sinh trưởng tốt, tỷ lệ lợn bị hao hụt thấp, lợi nhuận cao hơn. Trung bình mỗi tháng gia đình chị Thịnh xuất chuồng khoảng 10 tấn lợn thịt, với giá 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi 30 triệu đồng, cao hơn 20% so với khi chưa áp dụng VietGAP.
Áp dụng tiêu chuẩn chăn nuôi VietGAP từ nhiều năm nay nên sản phẩm lợn thịt của trang trại chăn nuôi lợn thuộc Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Thành Công, xã Lang Quán (Yên Sơn) đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản tỉnh đánh giá rất cao. Trong các lần kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm đều đảm bảo an toàn, không có dư lượng chất kháng sinh, không chất cấm, không chất tạo nạc; chất thải chăn nuôi được xử lý, bảo đảm vệ sinh thú y và môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và Thủy sản tỉnh, thực tế 2 mô hình áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi lợn đã mang lại nhiều lợi ích. Sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh, thuận lợi trong tiêu thụ, tăng thu nhập của người chăn nuôi; người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Tuy nhiên, số lượng trang trại chăn nuôi lợn áp dụng cũng như được cấp chứng nhận còn quá ít. Hiện tại toàn tỉnh mới có 4 trang trại chăn nuôi lợn được cấp VietGAP, trong khi số lượng trang trại chăn nuôi lợn của tỉnh là gần 200 trang trại, chưa kể các mô hình gia trại với tổng đàn lợn khoảng 600.000 con.
Để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, theo hướng an toàn, xây dựng thương hiệu lợn sạch Tuyên Quang, Sở NNPTNT chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản Thủy sản, Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai các chương trình hỗ trợ, hướng dẫn các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi lợn đủ điều kiện và có nhu cầu áp dụng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thú y, đặc biệt là tiêu chuẩn VietGAP. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn