Xã Mường Trai có gần 1.300 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La. Nhằm phát huy lợi thế trên, những năm gần đây được sự quan tâm chỉ đạo của huyện Mường La, xã đã chú trọng phát triển nghề nuôi cá lồng cho các bản sinh sống ở ven lòng hồ sông Đà, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nhân dân.
Ông Ban tận dụng mặt nước lòng hồ nuôi cá lồng, để phát triển kinh tế gia đình.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lò Văn Ban chia sẻ: Trước chưa nuôi cá lồng, kinh tế của gia đình chủ yếu sống dựa vào cây ngô, cây sắn trên nương rẫy nhưng giá cả mấy năm gần đây liên tục xuống thấp, chi phí đầu tư giống, phân bón quá nhiều mà không có lãi, nợ nần chồng chất. Tôi thấy mặt hồ nước sông Đà trong vắt và rộng mệnh mông, nếu nuôi cá lồng chắc sẽ cho thu nhập cao hơn cây ngô cây sắn. Nghĩ là làm, tôi dùng tiền tích góp nhiều năm trước và vay thêm tiền anh em họ hàng mua thùng phi, lưới, khung sắt... về làm 8 lồng thả các loại cá chép, trắm cỏ, rô phi đơn tính phát triển kinh tế.
Hàng ngày, ông Ban thường xuống kiểm tra và theo dõi quá trình phát triển của đàn cá.
Thời gian đầu mới chuyển sang nghề nuôi cá, vì chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc và chăn nuôi cá nên số lượng cá trong lồng của ông còi cọc rất nhiều, có thời điểm còn bị chết. Sau đó, ông lên mạng internet tìm đọc các bài báo viết về kỹ thuật nuôi cá và tập tính của loại cá nuôi trong ao hồ. Ông Ban tự tìm hiểu, đúc rút kinh nghiệm và áp dụng vào lồng cá của mình, nhờ vậy mà đàn cá của gia đình ông ngày càng phát triển khỏe mạnh.
Ông Ban chủ yếu cho đàn cá ăn cỏ, lá chuối...
Theo ông Lò Văn Ban: Nhằm bảo đảm cho cá phát triển tốt và khỏe mạnh, hàng ngày tôi xuống các lồng cá kiểm tra, theo dõi trọng lượng cá và các bệnh phát sinh. Mỗi ngày tôi cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và tối. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ voi, lá chuối, vỏ trấu và cám ngô, tôi rất hạn chế dùng cám công nghiệp, thuốc tăng trọng cho cá. Trong quá trình cho ăn tôi thường xuyên quan sát lượng thức ăn thừa thiếu trong các lồng, để điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Sau đó, tôi đưa ra khỏi lồng cá thức ăn còn dư để tránh ô nhiễm môi trường nuôi cá, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự sinh trưởng của đàn cá.
Nhờ chăm sóc tốt, đàn cá của gia đình ông Ban phát triển rất tốt.
Cá nuôi trong lồng của gia đình ông Ban luôn bảo đảm yếu tố sạch, thịt tươi ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng nên không lo ế hàng. Sau mỗi lần bán cá ông Ban dùng thuyền kéo lồng cá ra các địa điểm khác, để bắt đầu nuôi lứa mới bảo đảm cho cá có môi trường mới phát triển tốt hơn. Hiện nay ông bán cá trắm ra thị trường với giá từ 90.000 – 100.000đồng/kg, rô phi 60.000 - 70.000 đồng/kg, chép 80.000 – 90.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm ông thu lời 200 triệu đồng từ cá.
Để tránh cá nhảy ra, ông Ban quây lưới trên toàn bộ mặt lồng nuôi.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, cho biết: Có thể thấy việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho bà con sinh sông ở vùng sông nước.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục định hướng cho xã Mường Trai vận động bà con chăn nuôi cá đúng quy trình kỹ thuật gắn với bảo vệ mặt nước vùng nuôi; tận dụng tối đa nguồn thức ăn phong phú, đa dạng tại địa phương. Chúng tôi cũng lên kế hoạch liên kết sản xuất theo chuỗi, mở rộng giới thiệu sản phẩm cá lồng Mường Trai đến với người tiêu dùng và doanh nghiệp, để người dân yên tâm và gắn bó với nghề nuôi cá.
Ông Lò Văn Ban đang trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cá lồng với cán bộ khuyến nông xã Mường Trai.
Theo Hà Hoàng/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn