Xã Bát Tràng cách trung tâm Hà Nội 12km, có nghề sản xuất gốm sứ truyền thống với lịch sử hình thành và phát triển vài trăm năm. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trong xã, làng nghề còn tạo việc làm cho 10.000 lao động thuộc các địa phương khác, thu nhập bình quân đầu người của xã 53 triệu đồng/năm.
Nói chuyện với bà con, Thủ tướng bày tỏ niềm vui và ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thị trường, làng nghề Bát Tràng vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa phát triển mạnh mẽ. Nhìn nhận chính sách đối với các nghệ nhân đã có nhưng chưa đầy đủ, Thủ tướng khẳng định, Nhà nước sẽ tiếp tục lắng nghe và hoàn thiện, không chỉ vấn đề quy hoạch làng nghề mà hướng đến chuyên môn hóa mỗi làng một nghề, nhất là khi Việt Nam có tới 1.800 làng nghề nhưng có tên tuổi như Bát Tràng còn ít. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện tốt hơn cho làng nghề về cơ chế, chính sách, pháp luật để làng nghề có thể phát triển đồng bộ tốt hơn như kiến nghị của xã Bát Tràng. “Bát Tràng tượng trưng cho làng nghề truyền thống nên vấn đề tôn vinh nghệ nhân, xây dựng làng nghề, đào tạo bồi dưỡng nghệ nhân là rất quan trọng. Đất đai, nguyên liệu là một phần, nhưng cần bàn tay khối óc để có mẫu mã đẹp, sản phẩm tốt, ra thị trường tốt”, Thủ tướng nói.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã dự khai mạc triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm sứ tiêu biểu, văn hóa, du lịch Bát Tràng 2018 và thăm hỏi nghệ nhân Trần Độ, đời thứ 18 trong dòng họ Trần gắn bó với nghề làm gốm ở Bát Tràng.
LÂM NGUYÊN
theo sggp