Đậm đà văn hóa và truyền thống cách mạng
Can Lộc hiện có 23 xã, thị trấn; diện tích tự nhiên 30.248,4ha; dân số gần 130.000 người.
Nổi tiếng là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, chùa Hương Tích ngự trên một trong bảy ngọn núi đẹp nhất của dãy Ngàn Hống, không chỉ nổi tiếng với các huyền thoại thiêng liêng mà còn là danh thắng đẹp, say đắm lòng người. Dấu tích “Phúc Giang thư viện” lưu giữ hàng trăm bản sách bằng gỗ và “Trường Lưu học hiệu”, trường học tư thục đầu tiên của nước ta đã đào tạo nên bao hiền tài gắn với tên tuổi nhà văn hóa Nguyễn Huy Oánh.
Nằm trên tuyến đường 15 lịch sử, Ngã ba Đồng Lộc là bản hùng ca cách mạng về tinh thần quả cảm, sự hy sinh không tiếc máu xương của lớp lớp thế hệ TNXP Hà Tĩnh. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích đường Trường Sơn.
Can Lộc hiện có 65 di tích được xếp hạng (15 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh). Các di tích lịch sử - văn hóa hiện còn lưu giữ nhiều đạo sắc và văn hóa cổ, đây là biểu tượng cho sự giao hòa, đan xen giữa văn hóa dân gian với văn hóa bác học... Điều này tạo nên một nét riêng, thể hiện cốt cách, tinh thần của Can Lộc trong sự nghiệp đổi mới.
Tạo cơ chế cho người dân làm giàu
Tiếp bước truyền thống cha ông, trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc luôn sát cánh bên nhau xây dựng cuộc sống mới, đồng tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: xây dựng nông thôn mới (XDNTM); phát triển dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hạ Vàng, các làng nghề; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...
Can Lộc đã có những chính sách “kích cầu” nhằm khuyến khích và tạo cơ chế cho người dân làm giàu trên chính đồng đất của mình. Sự thay đổi tư duy và động lực từ cuộc cách mạng cơ giới hóa cũng đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ để nhân dân tự nguyện hy sinh quyền lợi cá nhân, xóa bỏ những thửa ruộng manh mún, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, XDNTM theo hướng bền vững.
Đặc biệt, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Can Lộc tiếp tục phát huy lợi thế kinh tế vườn đồi để hình thành 3 vùng sản xuất, gồm: vùng sản xuất rau, củ quả; vùng đồi núi trồng cây cây ăn quả, chăn nuôi; và vùng đồng bằng sản xuất lúa hàng hóa, chất lượng cao. Can Lộc đặt mục tiêu phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,5 triệu đồng/năm.
Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Võ Hữu Hào cho biết: “Thời gian qua, huyện Can Lộc đã xây dựng kế hoạchXDNTM một cách phù hợp, có lộ trình gắn với thực tiễn, không chạy theo hình thức và làm đến đâu chắc đến đó. Đến nay, các xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM và quyết tâm về đích huyện NTM vào cuối năm nay. Đặc biệt, người dân Can Lộc đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng 550 năm Thiên Lộc - Can Lộc”.
“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc...”, câu hát đó đã đọng lại trong tâm trí của rất nhiều người dân Can Lộc - Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Có lẽ không chỉ có vùng đất, vùng trời này, mà mọi người dân Can Lộc hôm nay luôn mong muốn và sẵn sàng giang rộng vòng tay chào đón bạn bè ghé thăm và chứng kiến sự đổi thay từng ngày nơi đây.
Theo Trà Giang/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn