11:02 EST Chủ nhật, 24/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Chính sách phải tạo ra sinh kế bền vững

Thứ hai - 25/09/2017 12:09
Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, thông qua các chính sách, chương trình an sinh xã hội... Tuy nhiên, thực trạng còn nhiều chính sách chồng chéo về địa bàn, đối tượng thụ hưởng; chưa tính hết các yếu tố đặc thù… ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.

Giảm đói nghèo nhờ chủ trương đúng

Trong chuyến công tác về thôn Nậm Chạc, xã Nậm Chạc (Bát Xát, Lào Cai), Trưởng thôn Chang A Chạc chia sẻ với chúng tôi: “Trước đây, bản mình nghèo lắm. Mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư làm đường, hỗ trợ bà con giống cây trồng, vật nuôi, cho vay ưu đãi, đào tạo nghề… nên nhiều gia đình bớt đi đói nghèo. Nhà mình cũng được vay hơn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mở rộng diện tích trồng chuối và chăn nuôi”.

Thời gian qua, thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo cho đồng bào DTTS, tỉnh Lào Cai đã ưu tiên nguồn vốn, đồng thời chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả. Trong đó, Lào Cai tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn vùng khó khăn, biên giới và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững. Cùng với nguồn vốn vay, nhiều hộ dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tìm hướng thoát nghèo. Nhờ vậy, đến năm 2016, tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh đạt 6,89% (bằng 138% kế hoạch), trong đó, tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện thuộc diện 30a đạt hơn 8%.

Tương tự, tại tỉnh Đắc Nông, hai năm qua, tỉnh này đã quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo đối với hộ gia đình đồng bào DTTS tại chỗ. Theo đó, các hộ đồng bào người M’Nông, Mạ và Ê Đê khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phục vụ sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ 40% số tiền lãi suất. Sau hai năm thực hiện, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ được 664,158 triệu đồng cho 176 hộ đồng bào DTTS với số tiền vay tại các ngân hàng thương mại gần 20 tỷ đồng, qua đó giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chè cho đồng bào ở huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang).  Ảnh: MINH NGUYỆT 
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, từng đánh giá, tuy kết quả của công tác dân tộc so với yêu cầu chưa đạt, song đã giúp các vùng DTTS có bước phát triển đáng ghi nhận. Cụ thể, từ năm 2010 đến tháng 6-2013 có 886.621 lao động nông thôn vùng DTTS được học nghề, trong đó, lao động DTTS là 223.792 người, chiếm tỷ lệ 25,24% so với tổng số lao động được đào tạo. Qua 10 năm thực hiện chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS (2002-2011), có 333.995 hộ đồng bào DTTS nghèo được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất (trong đó 148.059 hộ được hỗ trợ đất ở, 185.936 hộ được hỗ trợ đất sản xuất)… Các chính sách hỗ trợ lao động, việc làm, an sinh xã hội trong thời gian qua đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi bình quân mỗi năm giảm 3-4%, nhanh hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước.

 

Vẫn còn băn khoăn, trăn trở

Kết quả chăm lo, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Bùi Sỹ Tuấn (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thì hiện các chính sách còn nhiều về số lượng, chồng chéo về nội dung; nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp (cho không kinh phí, tài sản) nên không khuyến khích được người dân tự vươn lên thoát nghèo, dẫn đến việc ỷ lại, trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng, một số chính sách thiết kế không phù hợp với đặc điểm của DTTS, chưa tính hết các yếu tố đặc thù của từng vùng để phát huy thế mạnh nên không thể thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả. Ví dụ như câu chuyện học nghề sửa chữa máy nông nghiệp của anh Dương Văn Hỏn ở xã Quang Hán (Trà Lĩnh, Cao Bằng) và nhiều thanh niên DTTS địa phương này. Bất cập là ở chỗ khi đã hoàn thành lớp học nghề, anh Hỏn và nhiều thanh niên không thể hành nghề được vì thời gian học tập ít, mặt khác, ở địa phương chẳng có người đầu tư được máy cơ giới phục vụ sản xuất thì lấy gì để sửa chữa, sinh kế làm ăn.

Bên cạnh đó, việc tổ chức bố trí nguồn lực hỗ trợ hiện nay còn dàn trải; mức hỗ trợ cho DTTS còn thấp nên hiệu quả, tác động của chính sách chưa cao. Hơn nữa, quá trình tổ chức thực hiện còn thiếu tính lồng ghép, phối hợp giữa các ngành, sự liên thông trong thực hiện các chính sách. Đơn cử cho thực trạng trên là câu chuyện đầu ra cho quả chuối ở huyện Bát Xát (Lào Cai). Đồng bào được hỗ trợ về kỹ thuật, được vay vốn ưu đãi phát triển vùng trồng chuối, tuy nhiên lại không được hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm,... Do đó, diện tích rộng, năng suất tốt nhưng thu nhập của đồng bào bấp bênh, lên-xuống theo mùa và thường xuyên bị thương lái ép giá. Anh Vàng A Chớ ở thôn Pạc Tà, xã A Mú Sung (Bát Xát), kiến nghị: “Nếu chính quyền hỗ trợ, bao tiêu về đầu ra quả chuối thì đồng bào sẽ yên tâm sản xuất hơn”.

Hỗ trợ sát thực tế, đúng nhu cầu

Qua tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015, Ủy ban Dân tộc đã chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đã tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh một số giải pháp, chính sách cho phù hợp với thực tế. Ví như, việc hỗ trợ DTTS được chuyển theo hướng từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng, tạo sinh kế nhằm khắc phục tình trạng không hộ nào muốn thoát nghèo; từ việc cho không sang cho vay với lãi suất ưu đãi để khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; từ hỗ trợ lâu dài sang hỗ trợ có điều kiện (hỗ trợ từ 3-5 năm và phải cam kết thoát nghèo); còn với những hộ già cả, không còn sức lao động, không nơi nương tựa, hộ tàn tật,... được chuyển sang hưởng chính sách xã hội.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và sẽ ban hành nhiều chính sách rất quan trọng cho vùng DTTS và miền núi với mục tiêu thực hiện tốt chủ trương, giải pháp lớn về đại đoàn kết các dân tộc, quan tâm đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Trong đó, nhóm chính sách chung bao gồm: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với yêu cầu phân bổ nguồn lực cho vùng đặc biệt khó khăn, DTTS, miền núi phải được ưu tiên cao hơn 2 đến 4 lần so với nơi khác; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó, vùng DTTS và miền núi được thụ hưởng Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội các huyện nghèo 30a (tổng vốn 18.745 tỷ đồng) và Dự án Chương trình 135 với 3 hợp phần (tăng 1 hợp phần so với giai đoạn 2011-2015) với số vốn kế hoạch 15.936 tỷ đồng...

Theo ông Hà Việt Quân, Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc, thì chủ trương, chính sách nêu trên là rất đáng hoan nghênh, mang đến kỳ vọng đổi thay cho các vùng DTTS; tuy vậy, nhất thiết phải lấy người dân là trung tâm của chủ trương, chính sách - tức là phải hỗ trợ theo nhu cầu thực tế, sát đặc điểm từng cộng đồng DTTS và phải xuất phát từ mong muốn chính đáng của người dân... Làm được như vậy sẽ khắc phục dần tính bất hợp lý trong các chính sách đã đề ra.

Cũng như ý kiến của ông Quân, lãnh đạo nhiều huyện miền núi ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Sóc Trăng... cũng đề xuất: Các chính sách cần chú trọng hơn trong việc đầu tư phát triển mang tính dài hạn để bảo đảm cuộc sống cho người dân. Nguồn lực thực hiện chính sách phải bố trí phù hợp, tránh dàn trải, dẫn đến việc không bảo đảm cho các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt; các chính sách cần có tính liên kết, liên thông tốt hơn như cơ sở hạ tầng kết hợp với phát triển kinh tế, chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với việc làm... Có như vậy mới bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, hỗ trợ lao động, tạo việc làm cho đồng bào DTTS một cách bền vững.

 Theo LÊ DUY THÀNH/qdnd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 182


Hôm nayHôm nay : 77565

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1135866

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71363181