04:09 EST Thứ sáu, 27/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2017

Thứ ba - 14/03/2017 10:28
Trong giai đoạn 2011-2016, nhiều chính sách tài chính đã được triển khai để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hướng tới năm 2017 với nhiều thách thức tài khóa, hệ thống chính sách tài khóa cần có nhiều thay đổi để trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Năm điểm sáng của chính sách tài chính giai đoạn 2011-2016

Nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực gắn với quá trình tái cơ cấu đầu tư công. Vốn đầu tư công, nhất là đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và trái phiếu chính phủ (TPCP) được bố trí tập trung hơn, ưu tiên tập trung cho các công trình dự án quan trọng, cấp thiết, sớm hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng để phát huy hiệu quả, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, thất thoát, lãng phí; đã tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) và thanh toán vốn ứng trước; tăng cường quyền tự chủ, chủ động đi đôi với tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phê duyệt dự án đầu tư, lựa chọn danh mục và phân bổ vốn cho từng dự án cụ thể theo đúng các mục tiêu, định hướng phát triển; phân bổ vốn đầu tư bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Cơ chế phân bổ vốn đầu tư từng bước được thực hiện theo kế hoạch trung hạn, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc bố trí nguồn lực theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình thực tế.

Nguồn lực NSNN, nguồn vốn TPCP và vốn ODA được ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng theo hướng đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực như các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình mục tiêu quan trọng thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục; vốn đối ứng cho các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội...

Cơ cấu lại nợ công nhằm đảm bảo bền vững tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô. Dư nợ công và dư nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi cho phép; thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, đảm bảo uy tín và các cam kết của Chính phủ; từng bước cơ cấu lại danh mục TPCP, kéo dài thời hạn vay nhằm giảm dần áp lực trả nợ, đảo nợ và rủi ro tái cấp vốn. Theo Ngân hàng Thế giới, dự kiến nợ công năm 2016 của Việt Nam là 64,1%, khá sát ngưỡng 65% GDP.

Đổi mới cơ cấu và phương thức đầu tư từ NSNN đối với đơn vị sự nghiệp công theo hướng từng bước thu hẹp đối tượng, phạm vi các đơn vị sự nghiệp công lập được hỗ trợ chi thường xuyên từ NSNN so với hiện nay; chỉ có dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN mới được Nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Đối với dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN thì các đơn vị được thực hiện theo cơ chế giá thị trường, tự cân đối thu, chi, NSNN không hỗ trợ. Đổi mới cơ chế giá dịch vụ sự nghiệp công lập theo lộ trình để tạo cơ sở cho các đơn vị sự nghiệp công tiến tới hạch toán đầy đủ, tạo điều kiện chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn.

Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách (người có công, người nghèo...) sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, phù hợp với lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

Hệ thống các cơ chế, chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển các thị trường tài chính, dịch vụ tài chính được tiếp tục hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với các cam kết hội nhập; bảo đảm quá trình giao dịch, vận hành và quản lý thông suốt, an toàn, công khai, minh bạch.

Đã tạo được khuôn khổ pháp lý để phát triển hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường chứng khoán phái sinh, lĩnh vực kế toán, kiểm toán, từng bước ổn định và nâng cao định mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tạo điều kiện giảm dần chi phí huy động trên thị trường vốn quốc tế. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý hỗ trợ quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính, bao gồm bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các nghiệp vụ, sản phẩm bảo hiểm mới như: Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động xây dựng, bảo hiểm tàu cá, thuyền viên, bảo hiểm hưu trí tự nguyện...

Cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan. Chỉ số cải cách hành chính có sự cải thiện rõ rệt; đã rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, hải quan; rút ngắn số giờ nộp thuế.

Tính đến hết năm 2015, số giờ nộp thuế giảm còn 117 giờ (vượt so với mức mục tiêu 121,5 giờ đã được đề ra trong Nghị quyết số 19-2016/NQCP); thực hiện chuẩn hoá và ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung 46/70 quy trình, quy chế (bao gồm cả quy trình, quy chế nội bộ); cắt giảm 63 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 262 thủ tục hành chính về thuế nội địa; ban hành mới 23 thủ tục, thay thế 128 thủ tục, bãi bỏ 84 thủ tục.

Mở rộng áp dụng nộp thuế điện tử trên phạm vi cả nước. với 98,95% số doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế qua mạng đang thuộc diện quản lý thuế nội địa. Dự kiến đến hết năm 2016, số giờ nộp thuế trung bình còn 110 giờ.

Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN (ASW) đã chính thức thực hiện từ tháng 9/2015; hệ thống VNACCS/ VCIS áp dụng trên tất cả các chi cục, cục hải quan, qua đó giảm thời gian thông quan hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong  năm 2016, xu hướng kinh tế phục hồi rõ nét và tăng trưởng tích cực qua các quý, quý sau cao hơn quý trước, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,21%. Một phần là nhờ sự phát triển khá tốt của khu vực dịch vụ trong khi đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 1,36%, thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Tuy nhiên, xu hướng này vẫn thấp hơn năm 2015 và chưa có nhiều cải thiện so với năm 2014. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng tốc và là đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế năm nay, tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng (đóng góp 2,67 điểm phần trăm); công nghiệp và xây dựng duy trì mức tăng trưởng khá  ở mức 7,57% nhưng vẫn thấp hơn năm 2015 (9,64%).

Cơ cấu kinh tế có xu hướng chuyển dịch tích cực khi tỷ trọng nông nghiệp đã giảm từ 17% năm 2015 xuống 16,3% năm 2016, dịch vụ tăng từ 39,75 năm 2015 lên 40,9% năm 2016.

Ổn định kinh tế vĩ mô năm 2016 tiếp tục được củng cố, lạm phát ở mức 4,74% so với tháng 12/2015 và ở mức 2,66% so với cùng kỳ năm trước, thị trường tiền tệ tích cực, tổng cầu và tổng cung cải thiện tốt hơn.

Trong đó, về phía tổng cầu, tổng mức bản lẻ hàng hoá và dịch vụ, vốn đầu tư toàn xã hội tăng, thị trường bất động sản đang phục hồi, giải ngân FDI cao nhất từ trước đến nay, đạt 15,8 tỷ USD, và khu vực FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng nhất cho xuất khẩu của Việt Nam với mức xuất siêu 23,7 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu là 179,2 tỷ USD và lần thứ 2 có xuất siêu trên 2 tỷ USD (năm 2014 là 2,37 tỷ USD, năm 2016 là 2,68 tỷ USD. Về phía tổng cung, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khả quan, tồn kho diễn biến tích cực; tăng trưởng tín dụng được cải thiện, lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp, giá cả các nguyên liệu đầu vào giảm, nhất là giá các mặt hàng năng lượng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí nâng cao sức cạnh tranh.

Tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân có những chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục (110,1 ngàn doanh nghiệp) trong khi số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là gần 27 ngàn doanh nghiệp, tăng 24,1% so với năm 2015.

Năm 2016 tiếp tục đánh dấu cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.

Các nhóm giải pháp cụ thể tại Nghị quyết số 192016/NQ-CP ngày 28/4/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ đã nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường tính công khai và minh bạch.

Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 của Ngân hàng Thế giới cho thấy năm 2016 Việt Nam tiếp tục tăng 9 bậc so với năm 2015 và xếp hạng 82/190 nền kinh tế nhờ sự cải thiện của 5 chỉ số: Tiếp cận điện năng (tăng 5 bậc), bảo vệ nhà đầu tư nhỏ (tăng 31 bậc), nộp thuế (11 bậc), thương mại quốc tế (15 bậc).

Những kết quả này là nhờ nỗ lực cải cách trong việc nâng cao vai trò của các cổ đông trong quản trị công ty, trách nhiệm của ban điều hành, đơn giản hóa thủ tục khai thuế và nộp thuế, thực hiện thủ tục hải quan điện tử…

Nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2017 và thách thức tài khóa

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 6,5 - 7%, trong đó năm 2017 là 6,7%, lạm phát khoảng 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tỷ lệ bội chi NSNN không quá 3,5% GDP, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP.

Nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, cùng với đó là quá trình tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, tạo cơ sở phát triển bền vững nền kinh tế.

Yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế rất cao với mục tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30-35% vào tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu về môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn ASEAN – 4 (Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan). Thách thức lớn và trực diện nhất là sức ép cạnh tranh gay gắt ở cả 3 cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Theo đó, không gian chính sách mang tính hỗ trợ riêng cho từng doanh nghiệp, ngành hàng cũng sẽ bị hạn chế. Điều đó có nghĩa là đổi mới, cải cách thể chế, trong đó có chính sách tài chính sẽ tập trung vào tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các hình thức sở hữu. Các yêu cầu này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với chính sách tài khóa trong bối cảnh không gian chính sách đang bị thu hẹp.

Đảm bảo nguồn lực cho tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân 20 - 21% GDP. Đây là một thách thức lớn trong bối cảnh nhiều chính sách thu đã được điều chỉnh để hỗ trợ thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2011 - 2015 thông qua các biện pháp miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản thu từ NSNN.

Thực hiện mục tiêu tỷ trọng thu nội địa đạt khoảng 84 - 85% tổng thu NSNN, tỷ trọng thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16%. Trong bối cảnh giá dầu giảm trong thời gian qua và dự báo khó vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong trung hạn, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì nguồn thu dựa vào dầu thô và thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm dần.

Trong khi đó, nguồn thu trong nước phụ thuộc vào sự phát triển của sản xuất kinh doanh, mở rộng cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Điều này phụ thuộc vào tổng cầu trong nước, thị trường xuất khẩu cũng như những giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bội chi vẫn là yếu tố quan trọng tác động đến bền vững nợ công. Với nhu cầu chi khoảng 24 - 25% GDP giai đoạn 2016 - 2020 thì bội chi hằng năm vào khoảng 3 - 5% GDP, trong đó năm 2017 là 3,5% GDP. Trong khi đó yêu cầu đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, an ninh nợ công thì nợ công không được phép vượt 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP.

Khả năng huy động vốn từ thị trường tài chính trong nước cũng rất khó khăn. Yêu cầu vay nợ năm 2017 là khá lớn với mức vay bù đắp bội chi và vay đảo nợ là 340.157 tỷ đồng (trong đó vay bù đắp bội chi là 172.300 tỷ đồng), cộng với 50.000 tỷ đồng TPCP.

Đây là áp lực khá lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam khi đang phải thực hiện quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đảm bảo vốn cho tăng trường kinh tế với mức tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 18 - 20%/năm, trong khi đó tỷ lệ tiết kiệm hằng năm chưa đến 30% GDP, trung bình giai đoạn 2011 - 2015 là 27,6% GDP.

Xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu ngân hàng. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi một nguồn lực khá lớn để thực hiện, nhất là việc xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thậm chí có thể phải phá sản, xử lý các dự án đầu tư không hiệu quả, cần xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu ngân hàng thương mại để đến năm 2020 không quá 3%.

Chính sách tài chính năm 2017

Để tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn từ năm 2016 - 2020, kế hoạch tài chính - ngân sách giai đoạn từ năm 2016 - 2020, hoàn thành 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tài chính năm 2017 cần tập trung vào một số giải pháp ưu tiên.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách tài chính tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định, minh bạch, thông thoáng thông qua việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về thuế, hải quan, chế độ kế toán, kiểm toán, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính. Thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, các nghĩa vụ tài chính về đất đai, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Giảm thời gian doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thuế với mục tiêu đến 2020 Việt Nam đứng trong 4 nước đứng đầu ASEAN trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế. Thực hiện đơn giản, hài hòa thủ tục hải quan phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế để đảm bảo thời gian thông quan hàng hóa đến năm 2020 đạt mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực.

Loại bỏ các yêu cầu cung cấp thông tin, chứng từ trùng lắp, chồng chéo; phân định rõ thủ tục và các chế độ quản lý hải quan; áp dụng rộng rãi và hiệu quả việc thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan bằng phương thức điện tử trên các mặt: Khai và tiếp nhận thông tin khai hải quan; trao đổi thông tin cấp phép và các chứng từ liên quan giữa các cơ quan nhà nước trong khuôn khổ cơ chế một cửa hải quan quốc gia.

Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO theo Quyết định số 1969/QĐ-TTg ngày 13/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung nguồn lực để phát triển các tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và trong đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng đặc biệt khó khăn.

Xây dựng cơ chế tài chính đặc thù áp dụng cho các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực để các vùng kinh tế trọng điểm thực sự là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia. Thực hiện đúng Luật NSNN, các luật về thuế, phí và lệ phí. Thực hành tiết kiệm chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, chỉ vay trong khả năng trả nợ; kiểm soát chặt khoản vay của chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước.

Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thu, chi ngân sách ở các cấp, ngành, địa phương và đơn vị. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài chính, tài sản, quản lý đầu tư, quản lý nguồn vốn nhà nước. Đổi mới chính sách phân bổ nguồn lực thông qua lập và thực hiện kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Bố trí chi đầu tư phát triển khoảng 25-26% tổng chi NSNN hằng năm; phân bổ tập trung, theo cam kết bố trí dự toán chi NSNN cho các chương trình, dự án để nâng cao vai trò định hướng đầu tư nhà nước, kết hợp với nâng cao chất lượng quản lý đầu tư. Tiếp tục ưu tiên bố trí chi cho khoa học công nghệ, môi trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, đào tạo, y tế gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng.

Thực hiện cơ chế quản lý như doanh nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện; cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học; giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động kém hiệu quả.

Tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý vào giá các dịch vụ công thiết yếu, thực hiện điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường; có lộ trình thực hiện giá thị trường đối với giáo dục, y tế...

gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách và người nghèo; chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng, từ giao kinh phí theo đầu vào sang theo số lượng và chất lượng đầu ra, từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách “xã hội hóa” đầu tư trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao để một mặt tăng thêm nguồn vốn đầu tư, mặt khác làm tăng tính cạnh tranh trong cung cấp sản phẩm dịch vụ thông qua việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển, cung cấp dịch vụ công.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay; tăng cường quản lý các khoản vay mới, khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện. Đảm bảo nợ công không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.

Hoàn thành cơ cấu lại và xây dựng chiến lược phát triển thị trường tài chính ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng; giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu; giữa TPCP và trái phiếu doanh nghiệp để phấn đấu đến năm 2020 đưa thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế; giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng, phát triển thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường chứng khoán phái sinh và tín dụng tiêu dùng. Đồng thời, đa dạng hóa các định chế tài chính cũng như hàng hóa trên thị trường.

 

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 175 (1/2017

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 141


Hôm nayHôm nay : 26138

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1189199

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72871908