Lớp học chăn nuôi trâu, bò tại thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu được Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Hà tổ chức đã gần 3 tháng nay. 35 thành viên của lớp là những hội viên trong thôn bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có một điểm chung: Được học thêm một nghề mới để giúp gia đình ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập...
Chị Nguyễn Thị Lan, một thành viên cho biết: “Lớp đã gần bế giảng và mọi thành viên đều cơ bản nắm được kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sao cho đẹp mã, lớn nhanh... Sau lớp học này, tôi sẽ về áp dụng ngay và tin chắc sẽ thành công”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Châu Lê Anh Đức: “Mỗi năm, chúng tôi đều tổ chức 2 - 3 lớp dạy nghề cho hội viên xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương và của bà con. Từ những lớp dạy nghề này, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng kiến thức học được để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Trong 5 năm gần đây, Hội Nông dân huyện Lộc Hà đã phối hợp mở 39 lớp học nghề ngắn hạn cho 1.365 hội viên, trong đó, 85% là hội viên nghèo. Qua các lớp học, nhiều hội viên đã tạo được việc làm ổn định và nâng cao thu nhập bền vững... Cùng với dạy nghề, từ 2013 - 2018, Hội Nông dân huyện còn tổ chức 68 cuộc hội thảo tư vấn xuất khẩu lao động, hỗ trợ người dân địa phương tìm kiếm thị trường an toàn, thu nhập cao. Trong 5 năm, đã có hơn 3.500 lượt hội viên, con em hội viên tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước.
Những điều bà con nông dân ghi nhận là việc tổ chức tốt các dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất... 5 năm gần đây, Hội Nông dân huyện phối hợp cung ứng 3.500 tấn phân bón các loại bằng hình thức trả chậm, 35.000 cây giống, 1.900 con giống, 98 máy nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp tổ chức 278 lớp tập huấn, hội thảo cho hơn 16.500 lượt hội viên tham gia về chuyển giao các tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất; tổ chức 4 cuộc tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất; hướng dẫn, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp.
Nông dân cũng được hỗ trợ nguồn vốn trong quá trình SXKD, với 3.645 hộ hội viên được Hội Nông dân tín chấp vay vốn tại Agribank Hà Tĩnh và Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền 119 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều mô hình phát huy hiệu quả từ nguồn “cấp” vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân như: Các mô hình nuôi cá - lúa - vịt tại xã Ích Hậu; chăn nuôi trâu, bò tại Thạch Bằng; nuôi bò sinh sản tại Tân Lộc; mô hình nuôi tôm thâm canh tại Hộ Độ; mô hình sản xuất chổi đót tại xã Thạch Mỹ...
Bằng những việc làm thiết thực trên, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Lộc Hà đã có tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 88%. 5 năm qua, có gần 700 hộ hội viên thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 7%... Không "cầm tay chỉ việc", với những hoạt động trên, hội nông dân huyện Lộc Hà đã mang đến cho hàng ngàn hội viên "những chiếc cần câu" - cơ hội tiếp cận với các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Trọng Tuệ/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn