Theo TCTS, sau hơn 10 năm di nhập vào Việt Nam, TTCT với những ưu thế như chu kỳ nuôi ngắn, nuôi mật độ cao, khả năng thích ứng rộng, đã trở thành một trong hai đối tượng nuôi tôm nước lợ chủ lực và đang được nuôi rộng rãi ở tất cả các tỉnh thành ven biển.
Về lo ngại hội chứng Taura xuất hiện từ tôm chân trắng ảnh hưởng đến tôm nước lợ, đặc biệt là tôm sú, kết quả nghiên cứu và thực tế sản xuất cho thấy, virus Taura rất khó gây bệnh, chưa thấy xuất hiện hội chứng Taura trên cả TTCT và tôm sú ở nước ta.
Dựa vào những cơ sở nói trên, TCTS vừa có văn bản chỉ đạo cho mở rộng nuôi hình thức thâm canh và bán thâm canh ở quy mô nông hộ. Khuyến khích tiếp tục duy trì, phát triển nuôi tôm sú ở hình thức nuôi tôm lúa, tôm rừng, nuôi sinh thái nhưng không cho phép thả nuôi TTCT trong các hệ thống tôm lúa, tôm rừng, quảng canh cải tiến.
Bên cạnh đó, về nuôi tôm nước lợ cuối năm 2013, TCTS khuyến cáo các địa phương có thể tiếp tục thả nuôi TTCT trong các tháng còn lại của năm 2013 với mật độ thưa 60-80 con/m2. Tùy từng địa phương, bà con nuôi tôm cần chọn thời điểm thả giống hợp lý để tránh các thời điểm mưa tập trung, nhiệt độ quá thấp; cần ương tôm PL15 trong thời gian ba đến bốn tuần trong diện tích nhỏ, có mái che, kiểm soát môi trường tốt trước khi thả nuôi ở ao nuôi thương phẩm.
Bà con nuôi tôm cần tăng cường quạt nước và lắp thêm hệ thống sục khí đáy ao nuôi, đảm bảo lượng oxy hòa tan 5mg/l; duy trì độ mặn thích hợp 15-20‰, pH là 7,5-8,2 và độ kiềm 120-160mg/l; thường xuyên xi-phông đáy ao với tần suất 5-7 ngày/lần trong tháng nuôi thứ nhất và mỗi ngày xi-phông một lần trong giai đoạn tôm lớn.