50.000 tỷ đồng cho nông nghiệp sạch
Tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định dành gói tín dụng khoảng 50 – 60 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất. Sau tuyên bố của Thủ tướng, một số ngân hàng công bố giành các gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, với Agribank, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao là chủ trương đặt ra từ lâu.
Hiện tại, Agribank là ngân hàng chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, song năm 2016, điểm nhấn nổi bật của Agribank là chú trọng đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.
Đặc biệt, chương trình “Nông nghiệp sạch” do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức, phát sóng trên kênh VTV1 từ tháng 11/2016, Agribank với tư cách là NHTM Nhà nước được lựa chọn đồng hành cùng chương trình lả một minh chứng nữa cho việc Agribank đã sẵn sàng “vào cuộc” góp sức cho một nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, thay đổi tư duy và hành động của người sản xuất, người tiêu dùng ...
Hiện tại, Agribank đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh trong toàn hệ thống triển khai thực hiện với quy mô tài trợ vốn cho chương trình “Nông nghiệp sạch” là không hạn chế, trước mắt dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng để triển khai cho vay với lãi suất cho vay khi khách hàng thực hiện 01 và/hoặc trong 03 khâu (cung ứng, sản xuất, tiêu thụ). Theo đó, khách hàng sẽ được Agribank giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. Phí dịch vụ được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank và giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống.
Không chỉ đơn thuần cho vay nông nghiệp sạch, Agribank đặc biệt ưu tiên các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Coi “nông nghiệp công nghệ cao” là định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ. Đây cũng chính là “lối thoát” cho tín dụng tam nông hiện nay và cả trong tương lai.
Trên thực tế, Agribank đã triển khai mô hình cho vay thí điểm chuỗi liên kết, mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, như: mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… và bước đầu các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, để triển khai thành công mô hình này trong tương lai, Agribank rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, NHNN cùng các bộ, ngành và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể, kế hoạch triển khai cụ thể với các chương trình này. Các cấp chính quyền, nhất là chính quyền địa phương có sự hỗ trợ trong việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.
Hiện tại, Agribank đang nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… Đồng thời, đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn.
Trong đề án tái cơ cấu, Agribank cũng đang đề xuất Thống đốc NHNN cho triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “Ngân hàng lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn.
Thương hiệu số 1 trên thị trường tài chính nông thôn
Mạng lưới khổng lồ gồm 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch và gần 30 năm kinh nghiệm hoạt động ở thị trường nông nghiệp, nông thôn, thiết lập được hệ thống chân rết” tới từng thôn bản khiến Agribank luôn khẳng định vị thế của ngân hàng hàng đầu Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Không giống như nhiều ngân hàng khác, chỉ tập trung phần lớn tín dụng nông nghiệp cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư lớn, Agribank phát triển mạng lưới chân rết đến từng thôn, bản tại các vùng nông thôn hẻo lánh nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn của nông dân và duy trì vị thế là người tiên phong cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam. Cắm chặt tại các địa bàn mà các ngân hàng khác khó đủ lực bám trụ, tập trung vào nhóm khách hàng hộ sản xuất và cá nhân nên tăng trưởng huy động và cho vay của Agribank đều tốt.
Xác định rõ vai trò cho vay vốn góp phần quan trọng tạo công ăn, việc làm mới cho nông dân; đổi mới và phát triển các loại hình dịch vụ cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa phục vụ việc nâng cao đời sống dân cư nông thôn, Agribank đã phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác và thực hiện cho vay đối với các đơn vị đầu mối là các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với bán chéo các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Cung ứng đủ vốn đầu tư giúp người dân có vốn để sản xuất kinh doanh, đẩy lùi cho vay nặng lãi, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tăng mức sống. Hàng năm có hàng triệu lượt hộ được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tiêu dùng, xây dựng sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện, tạo lập hàng triệu việc làm, thoát nghèo và làm giàu từ chính các sản phẩm nông nghiệp.
Đến cuối năm 2016, tổng tài sản của Agribank đạt trên 980.000 tỷ đồng, tổng nguồn vốn trên 911.000 tỷ đồng, tăng tối thiểu 13,3% so với cuối năm 2015, đạt mục tiêu đề ra. Tổng dư nợ nền kinh tế đạt trên 735.000 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015, đạt kế hoạch đề ra; trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank và chiếm trên 50% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn