Nhiều người dân đã sử dụng làn khi đi chợ. Ảnh: Thành Nam |
Theo thống kê, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm 7% - 8%, trước tình trạng này, Thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện một số giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2020, các cửa hàng, chợ, siêu thị trong đô thị không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cụ thể, Thành phố phát động hạn chế đồ nhựa dùng một lần, tiến tới thực hiện cam kết 100% các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội không sử dụng túi ni lông dùng một lần vào năm 2020. Mặc dù sử dụng túi ni lông rất tiện lợi, phù hợp túi tiền tuy nhiên các tiểu thương kinh doanh tại chợ Đồng Xuân đã có ý thức hạn chế phát sinh lượng lớn túi ni lông bằng những sáng kiến như sử dụng túi giấy đựng đồ lưu niệm, hoa quả sấy khô, đóng nhiều mặt hàng trong một túi ni lông thay vì một sản phẩm đựng trong một túi ni lông như trước...
Phong trào hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần cũng được các hộ kinh doanh ở chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) hưởng ứng nhiệt tình. Không chỉ ký cam kết, các hộ kinh doanh trong chợ còn bảo nhau cắt giảm sử dụng túi ni lông, nhờ đó mỗi ngày lượng rác thải được thu gom trong chợ đã giảm rõ rệt so với trước kia…
Chị Nguyễn Thị Thu (hộ kinh doanh lâu năm ở chợ Hôm) cho biết, trước đây khi khách mua hàng từ cọng hành cho đến mớ rau, chị đều cho vào từng túi để khách mang về cho tiện. Tính ra mỗi ngày chị dùng đến hơn 1kg túi ni lông. Nhưng từ khi TP. Hà Nội kêu gọi hạn chế rác thải nhựa, không những chị mà các tiểu thương đã hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Qua đó mỗi người đều tự nhận thấy mình cần thay đổi thói quen đưa nhiều túi ni lông cho khách hàng, đồng thời khuyến khích khách hàng mang làn, giỏ đi chợ.
Cùng nhằm thực hiện phát động của Thành phố để hạn chế đồ nhựa dùng một lần, trong năm học 2019-2020, nhiều trường mầm non và tiểu học trên địa bàn đã đăng ký Chương trình thu gom vỏ hộp sữa do Sở TN&MT phối hợp với Sở GD&ĐT cùng các đơn vị liên quan thực hiện. Hiện đã có 637 trường tại 16 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố và đang tiếp tục nhân rộng trên toàn địa bàn Thành phố. Dự kiến sẽ có khoảng trên 1.000 trường học đăng ký tự nguyện tham gia chương trình.
Một trong những giải pháp hiệu quả nhất trong công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa đó là việc tăng cường nâng cao nhận thức cho các em học sinh, những mầm non tương lai của đất nước, qua đó góp phần hình thành ở học sinh ý thức và đạo đức về bảo vệ môi trường, có thái độ và hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Điển hình như, tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), nhà trường đã tổ chức Chương trình “Chủ động sống xanh - Chung tay hạn chế rác thải nhựa” vào những giờ chào cờ đầu tuần nhằm giáo dục bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa cho học sinh...
Để động viên lan tỏa phong trào “Chống rác thải nhựa”, tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi: Co.op mart Việt Nam; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op); các siêu thị: Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội để biểu dương các doanh nghiệp này chủ động đã chủ động triển khai biện pháp thiết thực, cụ thể, giảm thiểu tác hại của túi ni lông.
Vào tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp tục gửi thư biểu dương Thừa Thiên-Huế đã chủ động, sáng tạo, hành động mạnh mẽ để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn. Thủ tướng tin tưởng rằng những mô hình hay, sáng tạo từ tỉnh Thừa Thiên-Huế như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Nhặt một cọng rác bạn đã làm Huế sạch hơn”… sẽ được nhân rộng tới các địa phương khác, mang lại môi trường sống trong lành cho mọi người dân chúng ta.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm rác nhựa, phù hợp với loại hình kinh doanh. Thay vì phát chai nhựa cho khách, một số đơn vị chuyển dần sang chuẩn bị các bình nước lớn và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước, dần từ bỏ ống hút nhựa và thay thế bằng các sản phẩm từ inox, gạo, tre...
Bằng sự chung tay của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, hy vọng rằng, phong trào “Nói không với rác thải nhựa” và những mô hình hay, những cách làm sáng tạo để loại bỏ dần thói quen sử dụng túi ni lông,... sẽ càng phát triển sâu, rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức cho mỗi người về việc bảo vệ môi trường sống, hạn chế sử dụng và thải đồ dùng bằng nhựa, túi ni lông ra môi trường.
Theo Thành Nam/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn