Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ, Uông Chu Lưu tham dự và điều hành buổi chất vấn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn và giải trình về những vấn đề có liên quan.
Các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm về các nội dung liên quan đến sự gia tăng, phổ biến tội phạm như: Tội phạm xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua; tội phạm công nghệ cao hoạt động với nhiều phương thức tinh vi, nguy hiểm; tình trạng cướp giật, trộm cắp diễn ra ngày một phổ biến, táo tợn, nguy hiểm hơn, nhất là tại các đô thị lớn; tội phạm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê đang diễn ra phức tạp...
Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của bộ và những giải pháp để ngăn ngừa, xử lý trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em chủ yếu phát sinh từ các nguyên nhân tâm lý, xã hội. Sự xuống cấp đạo đức xã hội trên một số mặt diễn ra rất đáng báo động, những tác động tiêu cực từ các ấn phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực trên Internet làm cho tình hình tội phạm diễn biến phức tạp.
Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ chưa có chiều sâu, hiệu quả chưa cao, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn nhiều bất cập. Do đó, bộ sẽ đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, trọng tâm là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cảnh giác phòng ngừa tội phạm; xây dựng và thực hiện quy trình tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị, khởi tố tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, quy trình điều tra riêng đối với loại này.
Liên quan đến tội phạm công nghệ cao, tội phạm cướp giật, trộm cắp, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, bên cạnh những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế thì công tác tấn công, trấn áp tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa đủ mạnh và còn nhiều bất cập. Công tác quản lý, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội tại địa bàn cơ sở chưa tốt.
Chính vì vậy, hiện nay lực lượng công an đang tập trung thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý cư trú; quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Xây dựng, nâng cao chất lượng các hoạt động tuần tra kiểm soát kết hợp với các hoạt động nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa tội phạm trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm, địa bàn đô thị và giáp ranh. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về pháp luật nghiệp vụ, công nghệ thông tin cho cán bộ, chiến sỹ trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã phân tích, làm rõ một số câu hỏi liên quan đến thực trạng, giải pháp về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm kinh tế, tội phạm về các chức vụ.
Thay mặt Chính phủ tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, công tác đảm bảo ANTT có vai trò, vị trí quan trọng trong việc tạo môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong công tác đảm bảo ANTT, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các lực lượng chức năng đã thực hiện tốt công tác phòng chống các loại tội phạm, triệt phá nhiều băng nhóm, góp phần bảo đảm môi trường và sự bình yên cho nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo ANTT còn tồn tại một số hạn chế, nhất là công tác nắm tình hình, xử lý tình hình trong một số trường hợp vẫn còn lúng túng; các tội phạm về cướp của, giết người, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm công nghệ cao, tin dụng đen... còn diễn biến phức tạp, gây nhiều lo lắng trong nhân dân.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, các lực lượng chức năng, cả hệ thống chính trị cần quán triệt một cách nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết về công tác đảm bảo ANTT, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự. Chủ động nắm chắc địa bàn, tập trung đánh mạnh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nguy hiểm, không để tội phạm lộng hành, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của đất nước. Tập trung điều tra, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án lớn.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, phiên họp 26 đã hoàn thành chương trình đề ra khi cho ý kiến vào 8 dự án luật; giám sát chuyên đề về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016; xem xét nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh dự án luật và báo cáo giám sát theo kết luận; hoàn thành nghị quyết được thông qua để ký ban hành. Chính phủ và cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức liên quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung cho phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 9/2018.
Theo http://baohatinh.vn/