Một vài năm trở lại đây, những giò lan phi điệp đột biến gen có màu sắc, hình dáng độc, lạ đang trở thành đối tượng săn lùng của dân chơi. Không ít người dám bỏ ra hàng chục triệu, trăm triệu, thậm chí cả vài tỷ đồng để sở hữu một thân lan đột biến quý hiếm.
1 cm lan đột biến có giá trị cả trăm triệu đồng
Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp về Thái Bình chiêm ngưỡng những giò lan đột biến quý. Giới chơi lan ở đất quê lúa không phải là hiếm nhưng những "cao thủ" chơi lan đột biến có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vườn lan của anh Phạm Thành Luật, Chủ tịch Hội lan Var quê lúa
Một trong những "ông trùm" trong giới chơi lan đột biến ở Thái Bình phải kể đến ông Tạ Đình Hùng, ở TP.Thái Bình, thành viên của Hội lan Var quê lúa. Ông Hùng nổi tiếng bởi sở hữu rất nhiều dòng lan đột biến có giá trị cao. Chỉ có giới chơi lan chuyên nghiệp mới có thể định giá được giá trị khu vườn lan gia đình ông đang sở hữu.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn lan rộng hơn 100m2, với gần 100 giống lan truyền thống và đột biến các loại, ông Hùng kể, để có được vườn lan “khủng” như ngày hôm nay, ông đã mất nhiều năm gây dựng, sưu tầm, mất không ít tiền "học phí".
Quạt thông gió lắp đặt trong vườn lan phi điệp đột biến
“Trong vườn nhà tôi có rất nhiều loại lan phi điệp đột biến, nhưng trong đó đặc biệt nhất phải kể đến giò lan có tên “Người đẹp Bình Dương” với giá trị nhiều tỷ đồng và giò lan đột biến có tên “Ngọc Sơn Cước” mua từ vùng Sơn La về. Giò lan này có độ tuổi 3 năm, thân có chiều dài khoảng 30cm và được giới chơi lan định giá không dưới 6 tỷ đồng”, ông Hùng nói và từ chối tiết lộ về tổng giá trị của vườn lan của gia đình.
Ông chủ của vườn lan phi điệp đột biến giải thích rằng, lan phi điệp đột biến quý là bởi vì trong hàng vạn cây mới có 1 cây đột biến có lợi và đẹp. Thêm nữa, những cây đột biến về màu sắc, hình dạng hoa, lá, độ dày của cánh, lưỡi, thậm chỉ cả mắt, mũi của một bông hoa đều rất đẹp, cuốn hút.
“Mùi hương của hoa lan đột biến cũng rất đặc biệt, quyến rũ người chơi. Hiện giá của dòng này không tính bằng cây nữa mà đo cm để tính tiền, có những loại lan đột biến mỗi centimet lên tới cả vài chục triệu đồng", ông Hùng chia sẻ.
Anh Phạm Thành Luật, Chủ tịch Hội lan Var quê lúa cũng là người nổi tiếng trong giới chơi lan đột biến ở Thái Bình. Hiện anh đang sở hữu rất nhiều cây lan đặc biệt quý hiếm có tên gọi như: Hồng Hạc; Ngọc Sơn Cước; Năm cách trắng Hải Dương; Năm cách trắng Phú Thọ với giá trị nhiều tỷ đồng.
“Vườn nhà lan của gia đình rộng hơn 100m2 với nhiều loại lan đột biến khác nhau. Tuy nhiên, những gì tôi đang có chưa thấm vào đâu so với một số dân chơi lan đột biến ở Việt Nam. Tôi từng biết, tại Hà Nội, có một số vườn lan vài chục mét vuông nhưng có giá mấy chục tỷ đồng”, anh Luật chia sẻ.
Chăm cây hơn chăm vợ
Anh Luật cho hay, để sở hữu những bông lan đột biến đẹp không chỉ có tiền mà người chơi phải có duyên. Chính vì vậy, mỗi bông phong lan đẹp đều có một cái tên gắn với chủ nhân của nó.
Hệ thống camera giám sát an ninh và quạt phun sương cho vườn lan.
Giống lan phi điệp đột biến rất quý, vì vậy, việc chăm sóc, nuôi dưỡng cây cũng rất quan trọng. Khu vườn lan của gia đình anh Luật ở tầng 4, được đầu tư hết hơn 100 triệu đồng. Xung quanh được thiết kế quây hàng rào sắt. Phía trên giàn treo là lưới chống nắng, dưới là các tấm nhựa chống mưa. 4 góc đều có hệ thống camera an ninh giám sát 24h/24. Để chống chọi với thời tiết nắng nóng anh Luật còn lắp thêm quạt gió, phun sương.
“Việc chăm sóc, nuôi dưỡng giò lan đẹp rất kỳ công, tỷ mỉ, tốn nhiều thời gian. Nhiều anh em trong hội nói vui với tôi rằng, tôi chăm lan còn hơn cả chăm vợ. Nhưng quả thực đúng là như vậy. Có yêu lan mới hiểu được cái niềm đam mê ấy”, anh Luật vui vẻ nói và kể thêm rằng, việc dựng nhà giàn bằng sắt, một phần là để thuận tiện cho việc chăm sóc, mặt khác tránh việc trộm cắp xảy ra.
Hoa của loài lan phi điệp đột biến có tên “Ngọc Sơn Cước”
Ông Vũ Tiến Dũng (46 tuổi) ở TP. Thái Bình cũng đầu tư hơn 100 triệu đồng thuê thợ thiết kế nhà giàn bằng sắt rộng gần 200m2, lắp đặt camera, quạt gió. Trong vườn nhà ông Dũng có nhiều loại lan, từ địa lan, lan truyền thống đến lan phi điệp đột biến.
“Hiện nay nhiều người lầm tưởng cứ tưới nhiều, bón phân đạm nhiều là cây lan tốt nhưng tưới nhiều cây dễ úng, chết ngạt, thối rễ. Nguyên tắc tưới lan là giữa 2 lần tưới gốc cây phải khô, giò ẩm thì không tưới. Mới đầu dùng loại phân kích thích mọc rễ, tăng trưởng, sau 3 tháng kích thích phát triển thân, lá, gần mùa hoa thì kích thích hoa và rễ phát triển", ông Dũng chia sẻ thêm.
Theo Thành Nam/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn