Sau hơn hai năm triển khai chương trình với những bỡ ngỡ buổi ban đầu, đến thời điểm này, Hòa Trạch đã thực sự nhập cuộc. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Quá trình tuyên truyền về NTM thời gian qua đã tác động tích cực đến tư tưởng người dân. Hầu hết nhân dân trong xã đã nhận thức được xây dựng NTM là trách nhiệm của mỗi người. Và không chỉ nâng cao về ý thức, hiện nay, người dân đã bắt tay triển khai chương trình một cách tự giác và tích cực. Chính nhờ sự đồng thuận và tham gia nhiệt tình của người dân, chỉ trong hai năm, Hòa Trạch đã hoàn thành 7 tiêu chí, đưa tổng số tiêu chí đạt được lên 10 tiêu chí (gồm: quy hoạch, điện, bưu điện, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, an ninh trật tự).
Theo đánh giá của huyện Bố Trạch, ngoài 7 xã điểm đang nỗ lực về đích vào năm 2015, Hòa Trạch hiện nằm trong nhóm kế tiếp các xã điểm. Huy động sức dân chính là điểm mạnh của Hòa Trạch trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Với 8 thôn, 1.175 hộ và 4.837 nhân khẩu, bên cạnh huy động nguồn lực trong dân, Hòa Trạch đã có cách làm sáng tạo để hoàn thành những tiêu chí khó. "Giao thông luôn là một tiêu chí khó. Với Hòa Trạch cũng không ngoại lệ.
Nhân dân Hoà Trạch hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới. |
Vì vậy, cùng với số kinh phí đóng góp 1 triệu đồng/hộ trong năm 2012, 8 thôn trong xã đã nhất trí chủ trương dồn kinh phí cho từng thôn để hoàn thành dứt điểm các tuyến đường thay vì đầu tư dàn trải cho cả 8 thôn. Cứ triển khai xong thôn này lại đến thôn khác. Cách làm này đã góp phần huy động tổng lực sức dân và chia sẻ được khó khăn!", ông Thanh chia sẻ về bí quyết xây dựng NTM của địa phương.
Bên cạnh những cách làm hay, Hòa Trạch đã có bước đột phá quan trọng trong nhiều tiêu chí, trong đó tỷ lệ hộ nghèo của Hòa Trạch đạt con số ấn tượng với 4,4% (tính đến tháng 4-2013, toàn huyện Bố Trạch có 6 xã đạt tiêu chí này). Để có được con số này, Đảng bộ và nhân dân Hòa Trạch đã phát triển nền kinh tế đúng hướng, trong đó đẩy mạnh việc chăm sóc, khai thác và mở rộng diện tích cây cao su tiểu điền, cây sắn và cây dưa hấu.
Hiện toàn xã có 1.100 ha cao su, trong đó đang khai thác 600 ha, 500 ha còn lại dự kiến đưa vào khai thác trong khoảng 5 năm tới. Từ nguồn cao su tiểu điền, mỗi năm Hòa Trạch thu về từ 35 - 40 tỷ đồng. Cùng với cao su, nhiều diện tích sắn và dưa hấu được trồng xen cao su, góp phần "lấy ngắn nuôi dài", mang lại hiệu quả cao trên một diện tích đất. Ở Hòa Trạch, có không ít gia đình thu từ cao su mỗi năm xấp xỉ 1 tỷ đồng. Điển hình trong trồng và khai thác cây cao su là thôn Cà, với gần 700 ha. Ông Võ Công Dũng, trưởng thôn Cà, cho biết: Với thế mạnh của mình, nhân dân thôn Cà đang tích cực đóng góp nguồn lực để xây dựng NTM.
Dự kiến trong năm 2013, thôn sẽ hoàn thành tiếp 3 tiêu chí được xem là khó, đó là thủy lợi, giao thông và vệ sinh môi trường. "Về thủy lơi, chúng tôi đang huy động mỗi hộ dân đóng góp 250 ngàn đồng. Tiêu chí giao thông, nếu xã có nguồn đối ứng, dân thôn Cà tiếp tục đóng góp 300 ngàn đồng/hộ. Khổ nỗi là ngân sách xã còn hạn hẹp, nên dù chúng tôi đã tập hợp được nguồn tiền trong dân thì vẫn phải chờ xã. Với tiến độ như hiện nay, dự kiến năm 2017, thôn chúng tôi sẽ hoàn thành tất cả 19 tiêu chí!", ông Dũng khẳng định.
Không chỉ riêng thôn Cà, các thôn còn lại của Hòa Trạch đều nêu cao quyết tâm về đích trước lộ trình. Ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch UBND xã trao đổi: Dù đã đạt được tiêu chí thu nhập, một tiêu chí quan trọng góp phần làm "đòn bẩy" để hoàn thành các tiêu chí còn lại, Hòa Trạch vẫn phải không ngừng phấn đấu. Cùng với phát triển nông nghiệp, Nhà máy gạch tuynel trên địa bàn xã cũng đã đóng góp nguồn ngân sách đáng kể cho địa phương đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn. Cây lúa với trên 300 ha cũng là hướng đi mà địa phương chú trọng. Theo ông Thanh, "bài toán khó" hiện nay chính là nguồn vốn của địa phương để đầu tư cho các công trình hạ tầng. "Vì khó nên chúng tôi phải tìm ra cách giải một cách hợp lý. Hiện tại, thôn nào cũng muốn triển khai làm đường giao thông, thủy lợi và sẵn sàng đóng góp kinh phí, nhưng căn cứ vào tiềm lực của xã, chúng tôi phải phân kỳ mỗi năm triển khai ở 3 thôn!", ông Thanh cho biết.
Dù vẫn còn bộn bề khó khăn, nhưng quyết tâm về đích sớm của Đảng bộ và nhân dân xã Hòa Trạch là hoàn toàn có cơ sở, để Hòa Trạch thực sự trở thành địa phương kế tiếp trên lộ trình chạm đích nông thôn mới ngay sau 7 xã điểm của huyện. Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thanh tâm đắc: "Điều cơ bản là tất cả người dân đều hiểu, xây dựng NTM sẽ góp phần mang lại lợi ích cho chính bản thân mỗi người, cho gia đình, cho cộng đồng địa phương. Chúng tôi hy vọng đến năm 2018, xã sẽ hoàn thành cả 19 tiêu chí theo hướng bền vững, góp phần thay đổi diện mạo quê hương!".
Ngọc Mai (baoquangbinh.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn