Chung sức xây dựng nông thôn mới: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Huyện Thoại Sơn đã vận dụng nhiều biện pháp tích cực, ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn để xây dựng nông thôn mới, trong đó nổi bật là đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ngoài các chính sách ưu đãi chung của tỉnh, để thu hút đầu tư xây dựng nông thôn mới, với thế mạnh là huyện nông nghiệp, có vùng nguyên liệu hấp dẫn các nhà đầu tư, huyện Thoại Sơn đã chủ động tìm hiểu, đến các công ty có hướng đầu tư về lương thực, để gợi ý đầu tư vào huyện, tạo điều kiện giúp công ty, nhất là chọn mặt bằng thuận lợi, tìm mua giúp mặt bằng và đứng ra mua giúp công ty, tạo mọi thuận lợi trong thủ tục thu hồi đất, giao đất. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đến nhà máy của nhà đầu tư, như xây cầu mới, làm đường từ tỉnh lộ đến nhà máy để thuận lợi trong vận chuyển, đi lại; hỗ trợ công ty tổ chức các cuộc họp dân, ký hợp đồng giữa công ty với nông dân, có sự xác nhận của chính quyền địa phương.
Với nhiều biện pháp tích cực, trong 2 năm qua, trên địa bàn huyện đã có 50 đơn vị, công ty, nhà máy, nhà kho được xây dựng, đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu thu mua, tiêu thụ hết lượng lương thực hàng năm của địa phương sản xuất ra. Các đơn vị còn tiêu thụ lượng lúa hàng hóa của các huyện lân cận. Huyện thoại Sơn cũng đã có hệ thống nhà kho có sức chứa đến 400.000 tấn/ năm.
Năm 2012, các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà máy xay xát, đầu tư vật tư, phân bón và thu mua lại lương thực theo hợp đồng với 1.549 hộ nông dân trong năm 2012, trên diện tích 5.574 ha, gồm các công ty như: Công ty Ngọc Tùng (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, Công ty ADC, Công ty ANGIMEX. Phương thức đầu tư giữa nhà đầu tư với nông dân được thực hiện theo hướng liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn, chất lượng, đã đem lại hiệu quả cao như năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng lên, giá thành sản xuất lúa giảm, làm lợi cho nông dân trên 5 triệu đồng/ha/năm (không tính khoản lợi nhuận do lúa bán được giá cao so thị trường), xác lập được quyền bán sản phẩm là của nông dân. Dự kiến năm 2013, công ty Ngọc Tùng mở rộng đầu tư lên diện tích hợp đồng là 2.400 ha/ năm.
Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang tăng diện tích hợp đồng với nông dân lên 4.230 ha/năm và năm 2013 đã có thêm nhiều công ty tham gia đầu tư như công ty Phú Vĩnh, công ty lương thực Vĩnh Long, công ty Tam Phong đang tiến hành đầu tư hợp đồng với nông dân để sản xuất. Đây cũng là điều kiện để cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Thoại Sơn có thêm nguồn lực thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2013./.
theo http://nongthonmoi.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn