Nguồn vốn 135 được đầu tư cho nhiều công trình giao thông ở các xã đặc biệt khó khăn
Với tổng vốn đã phân bổ là 3.769,753 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 2.800,753 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 969 tỷ đồng), các địa phương được phân bổ vốn đã đầu tư cho Dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, dự án nâng cao năng lực cộng đồng, duy tu các công trình hạ tầng sau đầu tư…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, các địa phương gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như, Chương trình 135 của năm 2017, nhưng đến 19/4/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành Quyết định số 556/QĐ-BKH&ĐT giao chi tiết dự toán chi ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Ngay cả Thông tư số 01/2017/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 do UBDT ban hành cũng vừa mới có ngày 10/5/2017… Hiện tại đã bước sang tháng 8, nhưng Thông tư hướng dẫn tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn vẫn chưa được ban hành…
Không chỉ có Quyết định, Thông tư ban hành chậm, nhiều địa phương còn rất lúng túng trong triển khai Luật Đầu tư công và các nghị định kèm theo. Thêm vào đó, năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách vốn Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của Ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020… Sau khi có quyết định, các tỉnh mới trình hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.
Bên cạnh đó, một số Ban Dân tộc do khả năng và nhân lực hạn chế nên khó có thể thực hiện đầy đủ các nội dung như: xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn tỷ lệ đối ứng của địa phương và danh mục công trình đặc thù theo quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-UBDT. Điển hình như các Ban Dân tộc Bắc Kạn, Điện Biên, Gia Lai, Hà Tĩnh… Một số địa phương còn loay hoay không biết nên phân bổ vốn diện đầu tư theo Quyết định số 204/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hay chờ quyết định mới!?
Thực tế, mặc dù Chương trình 135 đã được thực hiện trong nhiều năm, nhưng do năm 2017 có thêm nhiều hướng dẫn mới nên việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định dự án ở một số huyện chậm; việc lập kế hoạch ở một số nơi chưa sát với thực tế, năng lực chủ đầu tư của xã, đơn vị tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, tư vấn giám sát, giám sát cộng đồng ở một số công trình, dự án còn hạn chế. Việc quản lý còn thiếu chặt chẽ, đặc biệt là các công trình do xã làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, 6 tháng đầu năm, vốn phân bổ cho các Dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng được triển khai thực hiện đầu tư cho 1.872 công trình bao gồm: Công trình chuyển tiếp 905 công trình, 967 công trình khởi công mới – đây chủ yếu là các công trình phục vụ giao thông, thủy lợi, y tế, chợ, điện và nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện giải ngân tính đến tháng 6/2017 mới đạt 45% - tập trung ưu tiên vào thanh toán trả nợ công trình đã hoàn thành năm 2016 được bàn giao và đưa vào sử dụng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, các địa phương đã phân bổ hơn 45 tỷ đồng/170 tỷ đồng được nguồn vốn sự nghiệp phân bổ, cho việc duy tu bảo dưỡng các công trình do xã làm chủ đầu tư và tổ nhóm cộng đồng thôn, bản thực hiện… Tuy nhiên, vẫn còn không ít địa phương chưa quan tâm đúng mức với nguồn vốn duy tu bảo dưỡng mà sử dụng nguồn vốn này cho nâng cấp, sửa chữa lớn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn