Chậm nhưng chắc
“Chúng ta làm chậm lại, không quá ào ạt nữa. Chậm mà chắc. Tiền chúng ta nên bỏ vào giúp cho các hộ nông dân, các HTX chuẩn hóa những cái người ta đang cần còn hơn đi làm cái thương hiệu ở bao bì. Tôi chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về vấn đề này, không nhất thiết phải chạy theo ào ào”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đã chỉ đạo như vậy khi dự họp với các địa phương phía Bắc để đánh giá kết quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến hết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: K.L
"Bản chất sản phẩm OCOP là gì? Hay bây giờ chỉ là thương hiệu để đi vô các gian hàng hay là chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng? Chúng ta phải suy nghĩ điều này, nếu không thì lại chạy theo hình thức”. Thứ trưởng Trần Thanh Nam |
Trong vòng 1,5 năm triển khai thực hiện, đến nay, 19 tỉnh, thành đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận cho 900 sản phẩm OCOP, đạt 33,16% so với kế hoạch đến hết năm 2020 có 2.400 sản phẩm được công nhận. Trong đó, có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 275 sản phẩm đạt 4 sao và 585 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, đã có gần 3.300 tổ chức kinh tế đăng ký tham gia sản xuất sản phẩm OCOP với nguồn lực trên 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn đặt ra lúc này là phải làm gì để phát triển các sản phẩm OCOP đúng hướng, thực chất và đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn, hay cách làm hình thức tiêu tốn tiền của của Nhà nước và xã hội.
“Bản chất sản phẩm OCOP là gì? Hay bây giờ chỉ là thương hiệu để đi vô các gian hàng hay là chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng? Chúng ta phải suy nghĩ điều này, nếu không thì lại chạy theo hình thức” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt vấn đề và giải thích: “Sản phẩm OCOP có 2 tiêu chuẩn cơ bản, đó là sức mạnh cộng đồng và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa”.
Đừng “khoán trắng” cho ngành nông nghiệp
PGS-TS Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn Thực vật (ĐH Dược Hà Nội) - Tư vấn trưởng Chương trình OCOP quốc gia cho rằng, với nguồn lực rất lớn đến hàng chục nghìn tỷ đồng, tuy nhiên chúng ta chưa nhận thức tầm quan trọng trong phát triển sản phẩm OCOP.
“Nhiều địa phương có xu hướng tập trung vào sản phẩm chủ lực của mình. Có nghĩa là đã đi ngược lại quy tắc OCOP - chúng ta đã chỉ định sẵn phải làm cái này, cái kia và xác định phải lớn, ra tấm, ra món. Điều này có thể đẩy người dân vào thế khó khăn khi chưa đủ khả năng quản lý và cũng chưa biết có bán được sản phẩm hay không”.
Theo PGS - TS Trần Văn Ơn, chúng ta phải quán triệt 3 trục sản phẩm của Bộ NNPTNT, trong đó sản phẩm OCOP thuộc trục thứ ba là sản phẩm cấp cộng đồng. “Việc chỉ định người dân làm thì chúng ta nên hạn chế và đừng làm vấn đề này trong năm 2020. Chúng ta cần tuân thủ nghiêm túc chu trình OCOP để cho người dân tự nguyện đăng ký tham gia. Chúng ta có thể gợi ý, nhưng chúng ta không ép buộc người dân phải lựa chọn cái này, cái kia”.
PGS-TS Trần Văn Ơn đánh giá cao tỉnh Bắc Kạn và Quảng Nam đã có đoàn liên ngành xuống hỗ trợ người dân triển khai sản phẩm OCOP.
“Việc xuất hiện đoàn liên ngành không phải là đi phạt mà đi hỗ trợ người dân là một điểm rất sáng trong Chương trình OCOP. Nó thể hiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và bứt phá. Đây là điểm không chỉ riêng tôi mà cộng đồng đánh giá rất cao, là điểm nên phát huy trong năm 2020 và các giai đoạn tiếp theo” - PGS - TS Trần Văn Ơn bình luận.
Ngoài những địa phương tích cực như trên, theo PGS-TS Trần Văn Ơn, một số tỉnh đang “khoán trắng” cho ngành NNPTNT thực hiện Chương trình OCOP trong khi sản phẩm này liên quan đến nhiều ngành khác nhau như: Du lịch, công thương, y tế…
Bên cạnh đó, bộ máy, nhân lực từ Trung ương đến địa phương bố trí để thực hiện chương trình đều chưa đáp ứng. Thêm vào đó, việc phân định hàng hóa, rồi thẩm định hiện nay nhiều khi cũng chưa rõ ràng và mất nhiều thời gian, công sức. Tại Quảng Nam, hiện có rất nhiều loại trà như: Trà lá sen, trà khổ qua, trà giảo cổ lam… Nhưng, để phân định, xếp vào ngành hàng nào thì gặp rất nhiều khó khăn. Lãnh đạo Sở NNPTNT phải “mất nửa buổi để cãi nhau” mới ngã ngũ, quyết định đó là sản phẩm trà chứ không phải thực phẩm chức năng.
Ngay tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã nhiều lần nhắc đến trường hợp lãnh đạo ngành NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh “bơ phờ” vì mất mấy ngày, đêm lao lực để thẩm định, công bố các sản phẩm OCOP đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh.
Theo Khương Lực/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn