Theo NHCSXH tỉnh Nam Định, thời gian qua, nguồn vốn của chương trình NS và VSMTNT đã giúp hơn 151 nghìn hộ được vay vốn để xây dựng và cải tạo gần 148 nghìn công trình nước sạch và gần 137 nghìn công trình vệ sinh. Cùng với nguồn vốn của ngân hàng, nguồn vốn trong cộng đồng dân cư cũng được huy động để xây dựng công trình, góp phần khơi dậy phong trào tự bỏ vốn ra xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh, thúc đẩy xã hội hóa thực hiện mục tiêu quốc gia về NS và VSMTNT. Chương trình NS và VSMTNT đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện môi trường nông thôn, nâng cao cuộc sống, sức khỏe, sinh hoạt của người dân.
Chương trình NS&VSMTNT đang rất hiệu quả trong thực tiễn |
Nhờ có nguồn vốn vay NS và VSMTNT, nhiều hộ dân ở thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh đã được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, qua đó, nỗi lo về nguồn nước sạch đã không còn. Điển hình như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Vân, một hộ cận nghèo ở thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Bà Vân hồ hởi chia sẻ, được vay chương trình này, nhà tôi đã đầu tư đường ống nước sạch, xây bể chứa nước, xây nhà tắm, tách riêng khu chuồng trại, chăn nuôi. Nhờ nguồn nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn nên gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn; các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, ít ốm đau.
Cũng như hộ gia đình bà Vân, hộ gia đình bà Vũ Thị Phượng- thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh- cũng được vay vốn chương trình này. Với việc tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này, gia đình bà đã đầu tư đường ống cấp nước sạch vào tận nhà, xây công trình nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt cũng như trong hoạt động sản xuất dệt khăn len thủ công. Do ảnh hưởng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ làm nghề khiến môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước không bảo đảm cho sinh hoạt hằng ngày. “Kể từ khi được vay vốn chương trình NS và VSMTNT từ năm 2014, gia đình rất phấn khởi vì không chỉ được sử dụng nước sạch an toàn mà bà còn đầu tư cả công trình vệ sinh, xử lý nước thải trong sinh hoạt và trong sản xuất”, bà Phượng nói.
Để bảo đảm an toàn nguồn vốn cũng như việc sử dụng vốn đúng mục đích, NHCSXH huyện đã phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác thành lập đoàn kiểm tra hồ sơ pháp lý, hồ sơ vay vốn tại Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện kiểm tra đối chiếu việc sử dụng vốn của các hộ vay. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện các hộ sau 6 tháng chưa có công trình, NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác kiên quyết thu hồi vốn vay theo quy định. Các hộ vay đều nhận nợ khớp đúng với số liệu sao kê của ngân hàng, phần lớn các hộ đã hoàn thành công trình, một số hộ đang xây dựng. Chất lượng tín dụng của chương trình luôn ở mức cao, hầu hết các hộ vay có ý thức trả nợ đúng kế hoạch nên nợ quá hạn thấp, chiếm khoảng 0,1% tổng dư nợ. Cùng với nguồn vốn của chương trình, chính quyền cơ sở còn lồng ghép thực hiện các dự án của địa phương nên đồng vốn phát huy hiệu quả cao. Đồng thời, huy động được nguồn vốn trong dân cư tham gia xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh của gia đình chiếm từ 40% - 80% chi phí xây dựng công trình.
Đánh giá hiệu quả của chương trình đem lại, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, các hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch sẽ giúp các đơn vị cung cấp nước tăng số lượng khách hàng, giảm phí sử dụng nước, nâng cao lợi ích toàn xã hội. Các công trình vệ sinh, bể biogas được xây dựng không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp các hộ gia đình tận dụng được chất thải, tạo nguồn nhiên liệu chất đốt, giảm chi phí sản xuất, sinh hoạt cho hộ gia đình.
Đồng thời, chương trình cho vay NS và VSMTNT không chỉ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng mà mọi người dân có nhu cầu về xây dựng công trình NS và VSMT ở khu vực nông thôn đều có thể được vay vốn. Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm môi trường xanh – sạch – đẹp phục vụ đời sống và sinh hoạt cho người dân, góp phần tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới.
Theo Tuần Kiệt/daibieunhandan.vn