Nhiều nông dân chuyển diện tích trồng điều sang trồng mãng cầu cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần. |
Diện tích đất nông nghiệp của gia đình ông Nguyễn Minh Đông (ấp Sông Xoài 1, xã Sông Xoài) trước đây chủ yếu trồng điều. Thời gian gần đây, vườn điều nhà ông Đông đã già cỗi, năng suất thấp, bên cạnh đó giá điều xuống thấp, không có lợi nhuận. Sau nhiều lần tham quan mô hình trồng quýt đường tại xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc), ông Đông quyết định đầu tư trồng loại cây này. Năm 2010, ông Đông đốn bỏ 1ha điều già cỗi chuyển sang trồng 1.000 cây quýt đường. Toàn bộ diện tích quýt đường được trồng bằng cây ghép nên thời gian sinh trưởng và cho trái nhanh. Để quýt cho năng suất, chất lượng, ngoài việc chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, ông Đông còn lắp đặt hệ thống tưới tự động, tạo độ ẩm cho cây. Sau 2 năm trồng, vườn quýt nhà ông Đông đã bắt đầu cho trái, trung bình mỗi cây khoảng 30kg trái. Vụ quýt này, gia đình ông Đông thu được hơn 30 tấn trái. Với giá bán cho thương lái tại vườn dao động từ 20 - 25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, vườn quýt cho thu lãi khoảng 400 triệu đồng, cao gấp 8 lần so với trồng điều. Hiện gia đình ông Đông tiếp tục cải tạo vườn, để mở rộng diện tích trồng quýt lên 1,5ha.
Năm 2004, sau khi tìm hiểu và tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp, gia đình anh Hà Văn Tĩnh (ở ấp 3, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) đã chuyển đổi hơn 2ha đất trồng bắp và vườn cây tạp sang trồng nhãn xuồng cơm vàng. Đến nay, vườn của gia đình anh Tĩnh có 200 cây nhãn đến kỳ thu hoạch, trung bình mỗi cây đạt năng suất 35kg trái/vụ. Mỗi vụ vườn nhãn nhà anh Tĩnh cho thu hoạch trên dưới 5 tấn trái, với giá bán cho thương lái tại vườn dao động từ 28 - 40 ngàn đồng/kg (tùy thời điểm), mỗi vụ nhãn, gia đình anh Tĩnh thu lãi khoảng 160 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng bắp và vườn tạp. Ngoài ra, anh Tĩnh còn phá bỏ 1ha điều già cỗi sang trồng điều cao sản xen canh mãng cầu ta. Hiện điều và mãng cầu đã bắt đầu cho trái. Theo tính toán của anh Tĩnh, cây điều phải đến năm thứ 10 mới vươn tán rộng, trong thời gian này, gia đình anh tập trung chăm sóc cây mãng cầu để tăng nguồn thu trên cùng một diện tích.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Tân Thành, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần trên cùng một diện tích. Thời gian gần đây, nhiều hộ đã phá bỏ vườn tạp, vườn cây kém năng suất chuyển sang trồng các loại cây như bưởi da xanh, mít viên linh, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, quýt đường, các loại rau màu... Tính riêng năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015, nông dân huyện Tân Thành đã chuyển đổi gần 140ha đất vườn tạp, vườn cây kém năng suất sang trồng các loại cây có năng suất, chất lượng cao. Hầu hết các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đều mang lại hiệu quả hơn các loại cây trồng trước, như: mô hình chuyển đổi diện tích trồng bắp với thu nhập 15 triệu đồng/ha/năm (ở xã Châu Pha) sang trồng khổ qua (thu nhập khoảng 60 triệu đồng/ha/năm); mô hình chuyển đổi đất trồng lúa 1 vụ với thu nhập 15 triệu đồng/ha/vụ (ở xã Phước Hòa) sang trồng rau xanh thu nhập 80 triệu đồng/1ha/năm, mô hình chuyển đổi từ trồng điều (40 triệu đồng/ha/vụ) sang trồng bưởi da xanh (ở xã Sông Xoài) thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha/vụ).
Thực tế cho thấy, việc cải tạo vườn tạp, vườn cây kém năng suất sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân; đồng thời tránh được sự lãng phí đất trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, phản ánh từ bà con nông dân cho thấy, để mở rộng diện tích, phát triển các loại cây trồng hiệu quả hơn, bên cạnh việc hỗ trợ về vốn sản xuất, kỹ thuật canh tác, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc tìm thị trường đầu ra cho nông sản; đồng thời phải có sự liên kết “4 nhà” (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà DN) để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế một cách bền vững.
Theo Báo Bà Rịa - Vùng Tàu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn