Ông Quang Văn Thỉnh.
1. Chỉ mất vài chục phút xe máy trên con đường trục phía nam Hà Nội, tuyến giao thông đường bộ trọng điểm kết nối với Hà Nam, Ninh Bình mới mở, xuất phát từ Hà Đông, chúng tôi gặp lại Thanh Văn.
Nhiều lần qua chốn này và lần nào chúng tôi cũng phải cố gặp được ông Quang Văn Thỉnh, người từng được dân bầu làm bí thư xã Thanh Văn liên tục 8 khóa, 28 năm.
Ông được dân tin đến mức, tại Đại hội đảng bộ xã Thanh Văn lần thứ 22, nhiệm kỳ 2010-2015, mặc dù huyện ủy Thanh Oai chủ trương để ông nghỉ vì đã 70 tuổi và bản thân ông cũng có đơn xin nghỉ, nhưng toàn thể cấp ủy, đảng viên xã này không chấp nhận mà vẫn yêu cầu ông Thỉnh phải tiếp tục nhiệm vụ.
Bà con xã Thanh Văn hay tin cũng kéo đến “vây” quanh đại hội, tha thiết xin Bí thư Quang Văn Thỉnh ở lại làm tiếp khóa nữa, khóa bí thư lần thứ 8 của ông. Thấy vậy, toàn thể đại hội và các cấp ủy đảng ở đây vô cùng xúc động. Lòng dân hợp ý đảng. Các cấp ủy từ xã Thanh Văn đến TP Hà Nội đã chấp thuận để ông Thỉnh ra làm bí thư khóa nữa.
Cho đến tận bây giờ, ông Thỉnh đã nghỉ hưu nhưng sự kính trọng, tin yêu của các cán bộ, đảng viên và nhân dân xã này đối với người bí thư già vẫn còn nguyên vẹn và những câu chuyện về ông vẫn được nhắc tới.
2. “Các anh cứ dạo quanh xã tôi một lượt sẽ lý giải được vì sao như vậy” - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn Nguyễn Huy Oánh tâm sự.
Ông kể rằng: “Thanh Văn trước đây nghèo lắm, với trên 600 ha đất tự nhiên, trong đó, có 444,5 ha đất canh tác nông nghiệp 2 lúa. Bình quân đất canh tác trên đầu người ở đây khá cao, 2,7 sào bắc bộ vậy mà người dân Thanh Văn đã từng phải tha phương đến tận huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình mua sắn về ăn…”.
Vậy mà, từ năm 1987, người cán bộ thủy lợi Quang Văn Thỉnh nghỉ chế độ, về quê và được bầu làm bí thư Đảng ủy xã này, Thanh Văn bắt đầu “thay da, đổi thịt”.
Khi đó, cả xã chỉ có vẻn vẹn 100 đảng viên. Ông Thỉnh bắt đầu từ việc xốc lại đội ngũ này, phát triển nhanh chóng đảng bộ xã nhà lên thành quy mô có 300 đảng viên và truyền tới họ một luồng sinh khí mới quyết không để dân đói, dân khổ.
Hàng loạt những nghị quyết thiết thực của đảng bộ xã ra đời sau khi được bàn bạc thật sự dân chủ, xuất phát từ thực tiễn và phục vụ thực tiễn.
Hàng loạt những biện pháp được triển khai ngay từ quy hoạch đồng đất đến cải tạo hệ thống thủy lợi, thay đổi cơ cấu, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao… Chỉ sau mấy năm, người dân Thanh Văn không những đã giải quyết cơ bản được cái ăn, cái mặc mà còn bắt đầu có tích lũy.
Trường THCS Thanh Văn với tổng mức đầu tư 16 tỷ đồng, một trong những hạng mục được xây dựng đưa xã Thanh Văn đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Trần Ngọc Kha.
Cùng với nhiều nghị quyết về phổ cập ngành nghề, khơi thông các tiềm năng, Đảng bộ xã Thanh Văn đã làm một việc “không giống ai”, đó là quy hoạch dành riêng 6% đất nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ cấy lúa sang trồng cây ăn quả. Diện tích này được chia đều cho các đầu khẩu trong xã.
Trước khi chia, xã đã làm đường rộng rãi, đổ bê tông rộng 4-5m, xây dựng hạ tầng để giúp dân tiện canh tác cũng như tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng hơn cả là xã đồng tình cho các hộ tự chuyển nhượng diện tích này cho nhau, rồi dần dần hợp thức hóa sự chuyển nhượng này mà không thu bất kỳ khoản nào của dân.
Nhờ vậy, nhiều hộ dân có tiền để tái đầu tư cho sản xuất, phát triển ngành nghề.
“Vì vậy, nếu nói về việc xây dựng nông thôn mới thì Thanh Văn đã tiến hành từ rất lâu rồi, trước cả khi Trung ương đề ra chủ trương như thế”, ông Oánh không giấu được niềm tự hào “khoe” với chúng tôi như thế.
3. Về đích đạt chuẩn nông thôn mới đã 2 năm nay, nhưng địa phương này vẫn đau đáu một mục tiêu làm sao để tìm ra định hướng phát triển lâu dài, chứ không dập khuôn theo 19 tiêu chí đã đạt được.
Cũng chính vì định hướng đó mà nhiều năm nay, Thanh Văn vẫn kiên trì một điều cũng… “không giống ai” nữa, trong khi nhiều địa phương nô nức kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư thì xã này đã nói “không” với họ.
Mất đất canh tác, ô nhiễm môi trường và còn những hệ lụy nhỡn tiền như lợi dụng dự án đầu tư để mua đi, bán lại kiếm lời khiến đất đai bị “treo”, lãng phí… là những gì mà từng đảng viên và người dân ở đây thấu hiểu.
Họ chủ trương lấy công nghiệp hóa nông nghiệp làm mục tiêu chính và lâu dài.
“Nếu không phải là công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, công cộng, không phải là các dự án lớn của quốc gia thì chúng tôi quyết không giao, dù là một thước vuông đất” - ông Quang Văn Thỉnh tâm sự.
Cùng chúng tôi dạo bước trên những con đường bê tông mới làm rộng thênh thang nối liền các bờ vùng bờ thửa trên đồng đất hôm nay, nhiều người dân xã Thanh Văn cho biết, họ đang kiến nghị chọn một con đường ở xã để đặt tên ông Quang Văn Thỉnh…
Nổi tiếng thế nhưng tiếp chuyện chúng tôi, ông vẫn chưa dứt băn khoăn, ấy là làm thế nào để có thể tiếp tục duy trì quỹ lương hưu mà ông từng khởi sướng từ nhiều năm trước đây cho người già quê ông đỡ khổ. Làm thế nào để Thanh Văn không những ngày một giàu mà phải sang. Muốn vậy, con cháu phải được học hành thành tài…
Đến đây, tôi chợt nhớ đến một con người cũng từng được dân tin, dân mến, dân thờ - nguyên Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phú Kim Ngọc- ông được mệnh danh là “cha đẻ của khoán hộ” mà người ta quen gọi là “khoán mười”, “cha đẻ của Đổi mới trong nông nghiệp” ở Việt Nam.
Và tự hỏi dường như có một gạch nối nhân văn giữa hai con người này, giữa hai thế kỷ liền mạch với nhau đến tận hôm nay!
Theo: Trần Ngọc Kha/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn