Các mặt hàng nông sản vào chợ phiên phải có giấy xác nhận VietGAP, GlobalGAP và tham gia chuỗi thực phẩm an toàn TPHCM; các sản phẩm tại chợ đều được Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP kiểm tra thường xuyên.
Sau 18 tháng triển khai thử nghiệm mô hình “Chợ phiên nông sản an toàn”, đến nay số lượng phiên chợ an toàn đã nhân lên ở nhiều điểm và được rất đông người dân TPHCM hưởng ứng.
Theo đơn vị tổ chức là Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TPHCM (thuộc Sở NN-PTNT), chợ phiên đầu tiên được tổ chức vào tháng 8-2016 ở khuôn viên nhà hàng Đông Hồ (đường Cao Thắng, quận 10, mở cửa hàng tuần), đến tháng 10-2017, chợ phiên thứ 2 đã được khai trương tại Công viên Lê Thị Riêng (quận 10).
Rồi ngay sau đó, chợ phiên thứ 3 mở ra tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1). Tổng cộng đã có 102 phiên chợ được tổ chức tại 3 địa điểm trên, với 3.096 lượt đơn vị tham gia. Doanh số bình quân 650 triệu đồng/tuần. Ngoài ra, các đơn vị còn nhận 89 đơn đặt hàng trị giá 9 tỷ đồng/tháng. Tổng doanh số khoảng 140 tỷ đồng/năm.
Mua nông sản tại Chợ phiên nông sản an toàn. Ảnh: CAO THĂNG Theo Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, các mặt hàng nông sản vào chợ phải có giấy xác nhận VietGAP, GlobalGAP và tham gia chuỗi thực phẩm an toàn TPHCM; các sản phẩm tại chợ đều được Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP kiểm tra thường xuyên.
Việc phải kiểm tra tại nguồn và lấy mẫu kiểm soát tại chợ là nhằm đảm bảo tính an toàn và sự minh bạch. Ngay từ đầu ban tổ chức đã xác định, các đơn vị tham gia không phải nhằm kiếm lời trước mắt, mà để thông qua chợ phiên khẳng định với người tiêu dùng là sản phẩm sản xuất an toàn, để dần dần sản phẩm đó được lan truyền. Đó mới là lợi nhuận.
Sáng kiến mở chợ phiên nông sản an toàn trong bối cảnh vệ sinh thực phẩm trở thành vấn đề bức xúc đã đáp ứng đúng nhu cầu và được người dân ủng hộ đông đảo. Nhiều quận - huyện đã chuyển nguyện vọng của người dân đến Sở NN-PTNT, đề nghị tổ chức thêm chợ phiên ở các địa phương còn lại. Ban tổ chức đã tìm kiếm địa điểm và chuẩn bị cho ra đời những chợ phiên mới.
Trong năm 2018 sẽ mở thêm 5 chợ phiên ở các quận 2, 6, 7, Tân Bình và Bình Tân. Nhưng, nếu với cách làm như hiện nay thì sẽ không thể có đủ người của các đơn vị tham gia bán ở tất cả các chợ phiên.
Theo Sở NN-PTNT, để giải quyết vấn đề trên, sở này đang trong quá trình chuyển giao dần việc tổ chức các chợ phiên thông qua xã hội hóa, sẽ có đơn vị (công ty cổ phần) đảm trách kết nối từ khâu sản xuất, vận chuyển đến hoạt động của các chợ phiên. Chợ phiên nông sản an toàn sắp tới tổ chức ở quận Tân Bình sẽ thực hiện theo hướng này.
Dự kiến sẽ có 7 thành viên ban đầu để thành lập công ty cổ phần đứng ra tổ chức, vận hành các chợ phiên một cách chuyên nghiệp. Những công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thuận lợi trong việc liên kết, điều phối, vận chuyển sản phẩm đến các chợ phiên.
Ban tổ chức khuyến khích các đơn vị, hợp tác xã tham gia chợ phiên là cổ đông của công ty, gắn kết thành chuỗi sản xuất - vận chuyển - phân phối, sẽ tạo điều kiện để công ty có thể hoạt động dễ dàng hơn.
Theo Sở NN-PTNT, nếu có đủ nguồn lực, chợ phiên sẽ mở rộng tại 24 quận - huyện và mở ra các cửa hàng như là kho trung chuyển, kỳ vọng sẽ đạt doanh số cả ngàn tỷ đồng/năm và có thể tiến đến việc xuất khẩu.
Về phía người tiêu dùng, đây quả là tin vui những ngày cuối năm, bởi khi nguồn nông sản sạch phủ khắp TPHCM, bữa cơm người dân sẽ xanh hơn, an toàn hơn, cũng là cách tẩy chay dần cung cách sản xuất siêu lợi nhuận, bất chấp sức khỏe cộng đồng như kiểu rau phun thuốc, thịt bơm thuốc… lan truyền quá mạnh thời gian qua.
CÔNG PHIÊN
http://www.sggp.org.vn