Những kết quả ấn tượng chương trình xây dựng NTM
Tính đến tháng 11.2017, cả nước đã có 2.884 xã (chiếm 32,30% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, có khoảng 326 xã được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 – 2020 - tăng 5,87% so với cuối năm 2016. Bình quân cả nước đạt 13,69 tiêu chí/xã.
Nông dân huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng thu hoạch chè. Ảnh: I.T
Nhằm tăng cường sự tham gia của các cơ quan báo chí, người làm báo chuyên và không chuyên, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc thi báo chí viết về nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020. Sau hơn 10 tháng phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã tiếp nhận gần 500 tác phẩm tham dự. |
Được biết, có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 13 huyện so với cuối năm 2016).
Về tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tính đến hết 30.11.2017, tổng số nợ đọng cơ bản thực hiện chương trình còn 5.845 tỷ đồng (giảm 9.373 tỷ đồng, tương đương 61,1% so với tháng 1.2016), trong đó có 27 tỉnh không có nợ xây dựng cơ bản. Đặc biệt một số tỉnh nằm trong 10 địa phương có số nợ lớn nhất cả nước vào thời điểm tháng 1.2017, đến nay đã hoàn toàn xử lý xong nợ.
Đáng chú ý, phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được cải thiện, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất và nhu cầu dân sinh. Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, trong hơn 6 năm qua, giao thông nông thôn đã hoàn thành một khối lượng hơn gấp 5 lần của giai đoạn 2001 – 2010. Đến cuối năm 2016, mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã, 99,5% xã có trạm y tế. Ngoài ra, hệ thống thủy nông được tiếp tục được xây mới hoàn thiện còn hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn được đầu tư xây dựng với hơn 4.498 xã có công trình nước sạch tập trung.
Tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp
Xác định việc phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, năm 2017, các tỉnh, thành đã tập trung hỗ trợ, đầu tư, xây dựng các mô hình về liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng.
Theo đó, trong năm 2017, các địa phương đã đầu tư và phát triển được 4.000 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Điển hình là các chương trình như: NTM gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi liên kết (Hà Nam, Lâm Đồng); ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hiệu quả cao (Đồng Nai, Tây Ninh); mô hình NTM gắn với du lịch sinh thái (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh; huyện Hoa Lư, Ninh Bình; huyện Phong Điền, Cần Thơ...).
Bên cạnh đó, để thực hiện tiêu chí 13 (yêu cầu các xã đạt chuẩn NTM phải có HTX hiệu quả), các địa phương cũng đã quan tâm và chú trọng đến nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, cả nước có 21 liên hiệp HTX nông nghiệp và 11.183 HTX nông nghiệp với doanh thu bình quân 1,1 tỷ đồng/HTX.
Để chương trình NTM đạt được những kết quả tích cực, công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền phục vụ xây dựng NTM tiếp tục được chú trọng và phát huy hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến nhận thức của cán bộ các cấp và người dân. Đặc biệt để tăng cường hơn nữa sự phối hợp và chia sẻ thông tin, Văn phòng Điều phối NTM T.Ư đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức một số chuyến công tác chuyên đề cho các phóng viên cơ quan báo chí T.Ư khảo sát thực tế tại một số địa phương. Các phản ánh của báo chí về xây dựng NTM trên cả nước được Ban chỉ đạo T.Ư, Bộ NNPTNT tiếp thu tích cực, cả về những thông tin “khen” và “chê”. Từ phản ánh của các cơ quan truyền thông, Bộ NNPTNT đã kịp thời chỉ đạo các địa phương xử lý các kiến nghị của người dân, phản ánh của báo chí.
Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt được trong năm 2017.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, để xây dựng NTM, cần đa dạng hoá các nguồn vốn và huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn. Đồng thời, chính quyền các cấp cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng NTM và thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý chương trình...
Đức Thịnh - Nguyễn Luyên/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn