- Ngày 12/7, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 12 luật mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Buổi sáng ngày 12/7, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật bao gồm: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Đường sắt 2017; Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Luật Du lịch 2017 và Luật Thủy lợi.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Được xây dựng trên quan điểm và nguyên tắc là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; hỗ trợ chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Luật có kết cấu gồm 4 chương, 35 điều với phạm vi điều chỉnh quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa: Luật sử dụng 3 tiêu chí là số lao động, doanh thu, nguồn vốn để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số lao động tham gia BHXH (không quá 200 người) là tiêu chí bắt buộc, được kết hợp với 1 trong 2 tiêu chí là tổng nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng) hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề (không quá 300 tỷ đồng).
Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Luật Quản lý ngoại thương: Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Luật chủ yếu điều chỉnh công tác quản lý Nhà nước về ngoại thương, bao gồm: các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế; không điều chỉnh, can thiệp vào các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau; chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng dịch vụ.
Lần đầu tiên, Luật khẳng định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân chỉ bị hạn chế nếu thuộc các trường hợp mà Luật quy định biện pháp cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu. Riêng đối tượng là thương nhân là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thương nhân nước ngoài không có hiện diện ở Việt Nam, Luật quy định quyền, nghĩa vụ của các đối tượng này theo đúng cam kết trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc quy định quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu tại Luật là phù hợp với tinh thần Hiến pháp, phù hợp với tinh thần tiến bộ của Luật Đầu tư và Điều 7 Luật Doanh nghiệp.
Với bố cục gồm 8 chương, 113 điều, Luật quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; các biện pháp hành chính; các biện pháp phòng vệ thương mại; biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương; các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương…
Luật Đường sắt 2017: Gồm 10 chương với 87 điều, tăng 2 chương và giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005. Luật có các quy định đầy đủ điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/201, chính sách phát triển đường sắt đã được Luật bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, đối với chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia. Với những chính sách này nhằm định hướng và làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể trong từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển trong hoạt động đường sắt. Đường sắt tốc độ cao là điểm mới của Luật. Những điểm mới của Luật được thể hiện ở các nội dung lớn như về chính sách phát triển đường sắt; kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; đường sắt đô thị; đường sắt tốc độ cao…
Luật Chuyển giao công nghệ 2017: Được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Chuyển giao công nghệ 2006, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Sửa đổi, bổ sung chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; tiêu chí xây dựng danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Luật có bố cục gồm 6 chương, 60 điều.
Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ bảo đảm các quy định này được thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.
Luật Du lịch 2017: Gồm 9 chương, 78 điều (giảm 20 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005) với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn du lịch; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch…
Luật thể hiện quan điểm lấy khách du lịch làm trung tâm của mọi hoạt động du lịch. Bên cạnh trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam, Luật quy định khách du lịch có nghĩa vụ ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch để giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi du lịch nước ngoài của công dân Việt Nam.
Luật chú trọng hơn đến việc bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch thông qua việc quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành bằng việc quy định trình độ chuyên môn của người phụ trách kinh doanh lữ hành, loại bỏ quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải có hợp đồng lao động với 3 hướng dẫn viên có thẻ vì quy định này trên thực tế chỉ mang tính hình thức, số lượng hướng dẫn viên phụ thuộc vào thị trường, có tính mùa vụ. Luật điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp đăng ký và hoạt động kinh doanh.
Luật có các quy định cụ thể liên quan đến khách du lịch; tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quy hoạch về du lịch; điểm du lịch, khu du lịch; kinh doanh du lịch; hướng dẫn viên du lịch; xúc tiến du lịch, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; quản lý nhà nước về du lịch…
Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Luật Thủy lợi: Gồm 10 chương, 60 điều, quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi…
Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư; kinh phí hỗ trợ được ngân sách Nhà nước bảo đảm; Chính phủ sẽ quy định cụ thể nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện, bảo đảm ổn định trong phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật thủy lợi để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng như triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến bảo đảm tính khả thi khi Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.
Đó là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015; Luật trợ giúp pháp lý; Luật cảnh vệ; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; và Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Chiều 12/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 vừa qua. Đó là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015; Luật trợ giúp pháp lý; Luật cảnh vệ; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; và Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, những điểm cơ bản đáng chú ý của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) liên quan đến người chưa thành niên phạm tội.
Theo đó, Luật quy định: người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng giới hạn trong 28 tội danh cụ thể; chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 2 tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản.
Luật bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng, máy tính, mạng viễn thông, đồng thời, bổ sung tội danh mới là tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế; bổ sung quy định theo hướng mở rộng phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bao gồm cả đối với 2 tội danh là tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.
Luật quản lý tài sản công (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) quy định 7 nhóm nguyên tắc để áp dụng thống nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, chú trọng đến việc giao quyền quản lý, quyền sử dụng hoặc các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác nhằm xác định rõ chủ thể quản lý, sử dụng gắn với trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng tài sản công. Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường để đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch của việc khai thác.
Đồng thời, Luật bổ sung quy định giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Luật giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cho Chính phủ (thay cho thẩm quyền của Thủ tướng như hiện nay); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bổ sung quy định việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Luật cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa ngay khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, Luật bổ sung một số thiệt hại về tinh thần và tăng mức bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; trường hợp bị thiệt hại về tinh thần so sức khỏe bị xâm phạm.
Đặc biệt, theo quy định của Luật, người bị thiệt hại được tạm ứng kinh phí bồi thường đối với những thiệt hại có thể tính toán ngay được, không cần xác minh. Luật cũng bổ sung quy định về việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại theo hướng: Nhà nước chủ động phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại; bổ sung đối tượng được phục hồi danh dự; quy định cụ thể hình thức tiến hành phục hồi danh dự, thủ tục, thời hạn thực hiện tổ chức trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai và đăng báo xin lỗi./.
An Nhi
http://kinhtevadubao.vn