Sau ba năm triển khai tổ chức thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề, năm 2011, Hội đồng kiểm định chất lượng dạy nghề đã nghiên cứu xem xét đánh giá kiểm định 37 cơ sở dạy nghề.
Kết quả kiểm định tại 37 cơ sở dạy nghề cho thấy 17 cơ sở đạt cấp độ 3; 17 cơ sở dạy nghề đạt cấp độ 2 (cùng chiếm 45,95%) và 3 cơ sở dạy nghề đạt cấp độ 1 (chiếm 8,1%).
Tổng cục Dạy nghề đã công bố và trao Quyết định công nhận kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề năm 20 11 cho 37 trường cao đẳng nghề, trung học nghề, trong đó có 17 cơ sở dạy nghề đạt tiêu chuẩn cao (cấp độ 3).
Từ kết quả thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề năm 2011, Tổng cục Dạy nghề xác định, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng giáo viên, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng, nhất là các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy tại các trường cao đẳng nghề, trung học nghề và các cơ sở dạy nghề; phấn đấu, năm 2012 sẽ kiểm định chất lượng dạy nghề cho 30 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề; 10 trung tâm dạy nghề và 10 chương trình dạy nghề.
Tại hội nghị, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Vụ Phó phụ trách Vụ Kiểm định chất lượng khẳng định kiểm định chất lượng dạy nghề là một trong những hoạt động kiểm soát và đảm bảo chất lượng dạy nghề, nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề ở các địa phương trong cả nước.
Việc đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề là một yêu cầu khách quan của cuộc sống và là mối quan tâm của không chỉ các học viên mà còn của nhiều cấp, ngành liên quan. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề còn là một biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nghề tại các trường cao đẳng, trung học nghề tại Việt Nam.
Đại diện các trường dạy nghề của 27 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thẳng thắn trao đổi những bất cập trong công tác kiểm định chất lượng cũng như những yếu kém trong công tác đào tạo nghề, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm giúp các học viên trang bị tốt hơn kiến thức về nghề mình đã lựa chọn.
Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị về chính sách đối với các cơ sở dạy nghề như chính sách đầu tư theo trọng điểm, đặt hàng, đấu thầu dạy nghề, thực hiện đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề và tuyển sinh dạy nghề. Cần đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho các Trung tâm dạy nghề như lớp học, xưởng trường, nhà điều hành, các phòng chức năng./.
Tạ Văn Toàn (TTXVN)