Họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018. Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Theo đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 332.284,64 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
“Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đ/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Về cơ cấu giá thành sản xuất kinh doanh điện của từng khâu, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, tổng chi phí khâu phát điện là 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đồng /kWh.
Theo lý giải của ông Tuấn, so với năm 2017, chi phí khâu phát điện năm 2018 tăng do một số yếu tố. Nguyên nhân đầu tiên là do thiếu nước về các hồ chứa thuỷ điện, cụ thể, năm 2018, tổng lượng nước về hồ chứa thủy điện đạt khoảng 365 tỷ m3, thấp hơn khoảng 12 tỷ m3 so với năm 2017, do đó, sản lượng điện từ thủy điện năm 2018 thấp hơn năm 2017.
Trong khi thuỷ điện cạn kiệt, giá than tăng rất cao.
“Năm 2018, mặc dù giá than nội địa ổn định, nhưng giá than nhập khẩu tăng mạnh. Cụ thể, giá than Coalfax và giá than NewCastle Index bình quân năm 2018 tăng so với năm 2017 lần lượt là 20,42% và 21,34%. Giá than nhập khẩu tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu như Formosa Đồng Nai, Formosa Hà Tĩnh và Duyên Hải 3”, ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, giá dầu và khí cũng tăng đẩy giá thành điện tăng theo. Theo đó, giá dầu HSFO thế giới năm 2018 tăng cao so với năm 2017 khoảng 31,9%. Việc giá dầu HSFO thế giới (dùng để tham chiếu tính giá khí thị trường) tăng so với năm 2017 làm tăng chi phí mua điện của nhà máy nhiệt điện Cà Mau và các nhà máy nhiệt điện có giá khí theo thị trường.
Thêm vào đó, tổng chi phí khâu truyền tải điện bao gồm khoản phân bổ số dư chênh lệch tỉ giá chưa được tính vào giá thành điện tại 31/12/2015 của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia với giá trị phân bổ năm 2018 là 1.828,22 tỷ đồng.
Còn tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 55.590,90 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 288,99 đ/kWh.
Tại buổi công bố, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết doanh thu bán điện của EVN và kết quả sản xuất kinh doanh điện 2018.
Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 của EVN là 192,36 tỷ kWh, tăng 10,14% so với năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983,34 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đ/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.
Kết quả, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%.
Ngoài ra, các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện, cho thuê nhà khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của các dự án nguồn điện của EVN cũng đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên.
Trong khi đó, các khoản chi phí như tỉ giá chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018. Cụ thể, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỉ giá này với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm 2018, để sản xuất ra 1 kWh điện EVN tốn 1.727,41 đ/kWh, giá bán ra hiện nay là 1.731 đ/kWh điện. Như vậy, EVN lãi 4 đồng/kWh điện. Trong khi đó, nếu sản xuất điện hoàn toàn bằng dầu thì sẽ tốn đến 31.000 đồng để sản xuất ra 1 kWh điện.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN đang rất cố gắng áp dụng nhiều biện pháp để không tác động đến giá điện trong thời gian tới và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN”, Thứ trưởng cho biết.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã ký Quyết định số 2668/QĐ-BCT về việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN ở cả 3 miền từ ngày 3/9 đến ngày 1/10.
Theo Phan Trang/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn