Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), Việt Nam hiện có quan hệ thương mại ổn định với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng nông sản của nước ta xuất khẩu vào các thị trường này. Tuy nhiên, cũng theo Vụ Hợp tác quốc tế, quá trình hội nhập nảy sinh không ít những thách thức, đòi hỏi chính chúng ta phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo sức cạnh tranh.
Tin vào khả năng phát triển của thực phẩm an toàn
Trao đổi với chúng tôi, ThS Trần Duy Khái, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết, ông hoàn toàn tin vào khả năng phát triển của thực phẩm an toàn và nông sản chất lượng cao. Đây là cơ hội tốt vì nền nông nghiệp nước ta lâu nay đang sản xuất manh mún nhỏ lẻ, làm ăn theo kiểu tự phát. Do đó, khi sản xuất theo hướng CNC, chúng ta sẽ có đầu tư, kể cả về cơ sở hạ tầng (CSHT), khoa học kỹ thuật (KHKT) và nguồn lực con người. Cũng theo ông Khái, cách thức sản xuất này hoàn toàn phù hợp xu hướng thế giới và hợp lý, phù hợp xu thế chung. Thực tiễn từ mô hình Trung tâm NN CNC Lam Sơn cho thấy rất rõ, hiệu quả bước đầu là sản xuất rau – hoa - quả trong nhà kính, nhà lưới có doanh thu 2.5-3 tỷ /ha, gấp gần 20-30 lần so với sản xuất ngoài trời. Tuy nhiên, khi chấp nhận ứng dụng CNC trong nông nghiệp, phải chấp nhận chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, cần sự đầu tư cả KHKT, CSHT cũng như chất lượng lao động, nhưng xét về lâu dài và xu hướng chung, đây sẽ là hướng đi tất yếu. Vì vậy, mặc dù chi phí bỏ ra khá lớn nhưng hiệu quả mang lại rất lâu, rất bền.
Theo ThS Trần Duy Khái, Trung tâm NN CNC Lam Sơn sẽ là hạt nhân, sau đó, trên cơ sở đó, tăng cường chuỗi liên kết và nhân rộng mô hình này ra khắp vùng.
Xác định được một trong những nhân tố cơ bản nhất là nông dân – mắt xích đầu tiên của chuỗi liên kết sản xuất nông sản chất lượng cao, an toàn - ngay từ đầu, Trung tâm Lam Sơn coi mô hình ứng dụng CNC của Trung tâm sẽ là đầu tàu với vai trò nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, sản phẩm mang tính chất giới thiệu quảng bá… còn bản thân Trung tâm không đủ sản phẩm để cung cấp ra toàn thị trường. Do đó, cần sự liên kết chặt chẽ với người nông dân để có thể đủ sản phẩm cung cấp cho cộng đồng xã hội, hướng xã hội tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn. Thực tế hoạt động hơn 30 năm của Nhà máy đường Lam Sơn nói chung và hơn 2 năm hoạt động của Trung tâm NN CNC nói riêng đã minh chứng cho mô hình liên kết nhà máy – nông dân trong sản xuất mía cũng như hướng dẫn và liên kết sản xuất rau hoa quả an toàn có hiệu quả.
Giám đốc Trung tâm NN CNC Lam Sơn cũng nhấn mạnh rằng, việc tăng cường liên kết với nông dân được triển khai theo hướng có chọn lọc đối tượng nông dân. Những hộ được chọn cần phải được đào tạo và chuyển giao KHKT mới, vì thế, đó phải là các hộ nông dân tiên tiến, có năng lực, nhận thức, vốn nhất định, có khả năng tiếp thu KHKT, dám nghĩ dám làm, một phần dám chấp nhận rủi ro ban đầu. “Để làm được, từ 2014 đến nay, chúng tôi đã đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho 10 hộ, đến nay có 6 hộ tham gia bước đầu nhưng quy mô ban đầu 1000m2/1 hộ. Năm đầu tiên, với 1000 m2 ngay vụ dưa vàng đầu tiên, có hộ thu 2, 5 tấn đạt giá trị 65 triệu, trừ chi phí đi lãi khoảng 38 triệu; bình quân 22,5-23 triệu đồng/1000m2” – ThS Khái nói.
Trong quá trình phát triển, ứng dụng KHKT trong sản xuất NN CNC, vốn là vấn đề khó khăn cho bất cứ doanh nghiệp nào trong sản xuất. Thứ hai là tiếp nhận công nghệ và đào tạo con người tiếp nhận công nghệ. Tiếp nữa là ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Văn Toan, Giám đốc Công ty Toàn cầu Food cho hay, sản xuất nông nghiệp có rủi ro lớn nhất là phụ thuộc phần nhiều vào thời tiết cũng như thị trường. Đối với Việt Nam có khá nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên trong phát triển nông nghiệp, gần như cây trồng nào trồng nhà kính, nhà lưới cũng đều có thể trồng bên ngoài. Chính vì thế, sự cạnh tranh sản phẩm an toàn và không an toàn gần như diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Làm thế nào để phát triển mạnh mẽ nông sản an toàn?
Nhân giống mía chất lượng cao trong phòng thí nghiệm của công ty mía đường Lam Sơn (Ảnh: HNV)
Liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, không chỉ là sự kết nối cung - cầu mà còn là sự kết nối cung – cung, thậm chí kết nối cầu - cầu. Như chia sẻ của Giám đốc Đỗ Văn Toan, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, việc kết nối với công tác xúc tiến thương mại, trực tiếp là Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp được xem là giải pháp tối ưu. Vừa qua, công ty đã phối hợp với Trung tâm đưa ra mô hình chợ Nông sản an toàn, ngoài nhập các sản phẩm an toàn các địa phương, cung cấp trong thị trường nội địa còn hướng ra xuất khẩu trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới. Công ty cũng mong muốn cung cấp và phân phối càng nhiều sản phẩm an toàn càng tốt, đồng thời mong các sản phẩm ở các Trung tâm NN CNC sẽ được nhân rộng, phát triển, giúp người dân có cơ hội tiêu dùng nguồn thực phẩm tương đối tốt. Mô hình chợ thương mại điện tử nông lâm thủy sản Việt Nam (Agromart) được khai trương và đi vào hoạt động từ 22/12/2015 được coi là thử nghiệm cho việc nhân rộng và phát triển các hình thức tiêu dùng an toàn cho người dân, là mô hình mẫu để qua đó thúc đẩy hơn nông sản an toàn, thực phẩm an toàn…
Điều quan trọng hơn nữa trong bối cảnh hiện nay là ngoài việc ứng dụng công nghệ cao một cách mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, cùng với thay đổi thói quen tiêu dùng một cách văn minh, hiện đại thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng phải có lòng kiên trì để lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Việc làm này không thể có ngay trong một sớm một chiều mà cần thời gian lâu dài, từng bước gây dựng rồi củng cố niềm tin, khiến cho họ từ đó thay đổi thái độ, quan niệm tiêu dùng thông minh, hiện đại, chỉ hướng tới các sản phẩm rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, với các tiêu chí an toàn và thông số kỹ thuật cụ thể…/.