Dạy những nghề thế mạnh của địa phương
An Giang là tỉnh sản xuất lúa có năng suất cao nhất cả nước. Hiện tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Toàn – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn An Giang cho biết, kể từ khi được giao nhiệm vụ dạy nghề nông nghiệp năm 2013, đơn vị đã tổ chức dạy 745 lớp tập huấn, dạy nghề cho gần 21.000 học viên với kinh phí đạt 7,3 tỷ đồng.
Dạy nghè trồng và chế biến chè cho nông dân huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Thùy Anh
Báo cáo của Bộ LĐTBXH, 7 năm qua (từ 2010-2016), chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã dạy nghề cho hơn 5 triệu nông dân. Trong đó, có gần 3,5 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956, với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp. Sau học nghề người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng 80% người học nghề đã có năng suất, thu nhập cao hơn trước. |
Ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, trong năm 2017, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đào tạo cho hơn 290.000 lao động nông nghiệp, trong đó bố trí phù hợp với trình độ sản xuất, yêu cầu tái cơ cấu ngành, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, nếu muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì không còn cách nào khác, Bộ NNPTNT cần phải đẩy mạnh dạy nghề. Đặc biệt, Bộ NNPTNT cũng cần xây dựng chương trình, ngành học gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế của từng địa phương, tập trung vào các ngành mũi nhọn.
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù công tác dạy nghề nông nghiệp đang đi đúng hướng, đạt được mục tiêu phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp nhưng hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng công tác chỉ đạo dạy nghề ở tuyến huyện, tuyến xã còn thiếu tập trung, việc lựa chọn nghành đào tạo thiếu linh hoạt. “Bên cạnh đó, lao động của chúng ta trình độ học vấn thấp, tiếp thu bài chậm, lại hay bỏ học” – ông Toàn nói.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết, nhiều trung tâm khuyến nông vẫn còn gặp khó trong quá trình triển khai. Cụ thể, sau 5 năm triển khai dạy nghề nông nghiệp, cả nước mới có 32 trung tâm khuyến nông tỉnh được cấp giấy phép, 31 trung tâm ở các tỉnh khác chưa được cấp giấy phép.
Ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia chia sẻ thêm: “Chính sách dạy nghề còn nhiều bất cập, tiền hỗ trợ giảng viên học sinh còn thấp, việc bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông dân sau học và làm nghề khó khăn… là những cản trở lớn tới hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn”.
Theo: Thùy Anh/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn