Những năm qua, các cấp Hội ND tỉnh Gia Lai đã chủ động tham gia hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các hình thức liên kết sản xuất, hình thức kinh tế tập thể. Nhiều mô hình kinh tế liên kết, kinh tế tập thể do Hội ND tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Mô hình Tổ liên kết chăn nuôi ong mật sạch tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh là một trong những mô hình liên kết sản xuất hiệu quả của nông dân.
Nhờ liên kết với nhau thành tổ hợp tác, nhiều hộ nuôi ong ở huyện Chư Păh (Gia Lai) ngày càng làm ăn khấm khá...
Tổ liên kết có 10 hộ hội viên, nông dân tham gia với tổng đàn ong mật là 4.000 đàn. Sau thời gian 2 năm đi vào hoạt động, Tổ liên kết đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thông qua sinh hoạt, các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nuôi ong, kỹ năng quản lý, kỹ thuật chăn nuôi đàn ong đã giúp cho đàn ong của từng thành viên giảm thiểu dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, giảm rủi ro trong quá trình chăn nuôi ong sạch. Đây chính là nguyên nhân giúp tăng năng suất, sản lượng, chất lượng các sản phẩm như mật ong, phấn hoa của Tổ hợp tác. Năng suất, chất lượng mật ong, phấn hoa tăng lên đồng nghĩa với cánh cửa tiêu thụ sản phẩm được rộng mở và ngày càng nhận được sự tín nhiệm của các khách hàng.
Hiện nay, có nhiều thành viên trong tổ đã giới thiệu được sản phẩm mật ong, phấn hoa tại các hội chợ, triễn lãm, thậm chí, một số thành viên đã năng động, nhạy bén nắm bắt sự tiện lợi của thương mại điện tử đưa sản phẩm bán trên các sàn thương mại nổi tiếng trong nước.
Hàng năm, Tổ hợp tác nuôi ong sạch của xã Nghĩa Hưng sản xuất ra 120 tấn mật ong và 12 tấn phấn hoa với tổng doanh thu đạt tới 8,4 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, nhân công thì thu nhập thuần của tổ đạt 4,4 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên có lời 440 triệu đồng/năm. Sản phẩm mật ong của Tổ liên kết nuôi ong sạch xã Nghĩa Hưng là một trong các sản phẩm nằm trong Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của địa phương.
Ông Nguyễn Minh Trưởng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai cho biết, việc tham gia các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất giúp nông dân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cũng như giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất về kinh nghiệm, kỹ thuật. Các thành viên của các tổ thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm, hạn chế mức thấp nhất vị thương lái ép giá; giảm bớt khâu trung gian, tăng thu nhập. Mô hình các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất của nông dân cũng là cơ sở quan trọng để từ bước vững chắc phát triển lên thành các mô hình kinh tế tập thể ở mức cao hơn như hợp tác xã…
Theo Đông Hoàng/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn