Năm 2016, HTX Tiền Lệ tiếp tục được cấp giấy chứng nhận VietGAP trồng trọt cho hai vùng rau với diện tích 31ha (sản lượng hơn 3.000 tấn) và 2,5ha (sản lượng gần 160 tấn/năm). Nhờ phương thức canh tác hiện đại, bình quân mỗi năm, HTX sản xuất và thu hoạch 8 - 10 vụ rau, sản lượng 3.000 - 4.000 tấn.
“Chạy đà” thành công
Vùng chuyên canh RAT công nghệ cao tại Tiền Lệ khởi phát từ năm 2010, khi HTX được công ty Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây dựng hơn 2,5ha nhà lưới hiện đại, đồng thời, mở lớp tập huấn với nhiều kỹ sư trực tiếp hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật gieo trồng theo tiêu chuẩn mới.
Ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc HTX, cho hay: “Canh tác rau trong nhà lưới đem lại hiệu quả rất cao, thời gian sinh trưởng chỉ mất từ 20 - 25 ngày (so với 30 - 35 ngày theo phương thức thủ công). Bình quân mỗi năm, HTX thu hoạch 10 - 12 lứa RAT, mỗi lứa đạt 5 - 6 tạ/sào”.
Hệ thống nhà lưới, tưới tự động giúp hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, giảm bay hơi nước, duy trì độ ẩm, hạn chế rửa trôi, sói mòn, bay hơi, hạn chế sâu bệnh… Qua đó, giúp người nông dân tăng năng suất và chất lượng rau màu, giảm chi phí đầu vào cho phân bón, thuốc trừ sâu.
Anh Nguyễn Khắc Vinh - thành viên HTX, chia sẻ: “Sản phẩm chủ lực của HTX là các loại rau cải như cải mơ, cải ngọt, cải chíp, cải bó xôi… Rau cải là cây ngắn ngày, vốn chỉ thích hợp gieo trồng vào vụ Đông. Tuy nhiên, với hệ thống nhà lưới hiện đại, rau cải được canh tác quanh năm”.
“Canh tác theo phương thức mới vừa đem lại hiệu quả cao, vừa tiết kiệm sức lao động. Sản phẩm làm ra được bao tiêu, giá bán luôn cao hơn thị trường 3.000 - 10.000 đồng/kg”, anh Vinh nói.
Để bảo đảm quy trình sản xuất khoa học, các thành viên tham gia sản xuất trong nhà lưới được huấn luyện về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tuân thủ quy trình sản xuất RAT VietGAP, 100% phân bón là phân sinh học (chế phẩm giun quế), phân gà ủ hoai (5 - 7 tháng), thuốc BVTV được thay thế bằng các chế phẩm sinh học hoặc làm thủ công (làm cỏ, bắt sâu bọ bằng tay).
HTX có quy định và ký cam kết với các thành viên trong sản xuất, đồng thời ghi nhật ký hàng ngày để các cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau của HTX. Các mẫu đất, nước của vùng trồng rau Tiền Lệ đều được các cơ quan chức năng kiểm tra và xác nhận an toàn.
“Thành công hiện tại là kết quả của một cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất, từ làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, truyền thống, sang canh tác hiện đại, liên kết theo chuỗi. Hiện tại, nhiều hộ gia đình tại Tiền Lệ đã có “trang trại rau” cho thu nhập ổn định từ 13 - 15 triệu/tháng”, Giám đốc HTX Tiền Lệ Nguyễn Văn Hào, cho biết.
Mô hình sản xuất rau sạch trong nhà lưới của HTX Tiền Lệ
Nâng tầm thương hiệu
Năm 2016, bình quân giá trị canh tác của HTX đạt 800 triệu đồng/ha. Rau sạch Tiền Lệ đang “gõ cửa” thành công nhiều siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội, đồng thời, được nhiều công ty như Liên Anh, Thực phẩm an toàn Hà Nội… đến tận nơi thu mua.
Với chất lượng sản phẩm vượt trội (nhờ phương pháp canh tác trong nhà lưới), thương hiệu RAT Tiền Lệ đang ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, rau sạch Tiền Lệ chưa có một “cái tên” đủ mạnh để người tiêu dùng nhận diện.
Theo ghi nhận của HTX, hiện nay, khối lượng rau được đưa vào các kênh siêu thị mới chiếm khoảng 30 - 50%. Rau Tiền Lệ sau khi được các DN thu mua thường bị “đổi tên” và mang thương hiệu của đơn vị phân phối.
Trước thực trạng trên, năm 2016, HTX đã chủ động phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm RAT Tiền Lệ.
Ông Nguyễn Khắc Bút - Phó Giám đốc HTX, cho biết: “Ngay từ đầu năm 2015, HTX đã đẩy mạnh xây dựng và mở rộng vùng sản xuất đạt chuẩn ATTP trong sản xuất, sơ chế rau (đã được Chi cục BVTV Hà Nội chứng nhận).
“Hai vùng sản xuất rau với tổng diện tích 33,5ha (sản lượng ước tính gần 3.160 tấn/năm) của HTX cũng được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đây chính là yếu tố thuyết phục Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đồng ý cấp nhãn hiệu tập thể cho rau Tiền Lệ”, ông Bút cho hay.
Kể từ năm 2010, HTX đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp thành viên yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, với yêu cầu vốn đầu tư xây dựng lớn, nông dân còn nhiều khó khăn khi bắt đầu, đòi hỏi chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ HTX đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu, kết nối thị trường.
Văn Nguyễn
http://thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn