Áp lực phải thay đổi
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích đất trồng lúa 1,85 triệu ha, hàng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lương thực cả nước và cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa cũng đã tạo ra nguồn phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính, tác động xấu đến môi trường. Theo đó, trong các nguồn phát thải thì sản xuất nông nghiệp chiếm 14%. Nguyên nhân là do ngoài việc lạm dụng phân hóa học, làm tỷ lệ phân thất thoát cao gây ô nhiễm đất và phát thải oxit nitơ (N2O), cộng thêm việc tưới tiêu không hợp lý, giữ nước thường xuyên trong ruộng gây phát thải khí metan (CH4) và đốt phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch gây phát thải khí carbonic (CO2).
Người dân vùng U Minh Thượng, Kiên Giang thu hoạch tôm. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Theo các chuyên gia môi trường các khí thải như CO2, CH4, N2O thải ra môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ở mức cao hiện nay đang góp phần vào hiện tượng nóng lên của toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Mặt khác, ngay thời điểm hiện tại, vùng ĐBSCL đã và đang phải chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Hiện nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn biến vô cùng phức tạp, gây thiệt hại nặng cho ngành nông nghiệp. Theo Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino nên mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.
Rõ ràng, khi đứng trước sự tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện diện rõ nét và nhận thức rõ sự xâm hại ngày càng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên do hoạt động canh tác, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cần và phải nhìn nhận, từng bước thay đổi, lựa chọn phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững nhằm thích nghi để bảo đảm an toàn, phát triển ổn định cho vùng lương thực trọng điểm của cả nước. Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, các tỉnh thành vùng ĐBSCL phải nỗ lực để dần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ việc dựa trên khai thác tài nguyên, tận dụng lao động giá rẻ, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến phát triển ngành nông nghiệp thiếu bền vững sang áp dụng các giải pháp công nghệ sinh học theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát phải các-bon là yếu tố then chốt để phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Và những nỗ lực
Ngay thời điểm hiện tại, để ứng phó với tình hình thời tiết khắc nghiệt nói trên, ngành nông nghiệp ở các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang triển khai các giải pháp bằng việc hướng dẫn thời vụ và cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng, nhằm né tránh và giảm thiệt hại do hạn mặn gây ra mà còn hoàn chỉnh gói kỹ thuật canh tác lúa thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn trong toàn vùng.
Từ năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và ở vùng ĐBSCL nói riêng, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp lớn giúp cho khu vực ĐBSCL chủ động ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như mô hình “lúa - tôm” , “2 vụ lúa, 1 vụ màu”, “cánh đồng mẫu lớn”… Điều này cho thấy một bài toán đa mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm triển khai cho vùng ĐBSCL.
Các mô hình đã giúp được nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, ổn định sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, các phương thức canh tác tiên tiến cũng được triển khai như áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trên đồng ruộng. Trong đó, ứng dụng các biện pháp “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống, thuốc trừ sâu, phân đạm; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế) hay “1 phải, 5 giảm” hay kỹ thuật canh tác “1 phải, 6 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân bón thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm phát khí thải nhà kính)… Từ đó, góp phần giảm phát thải ô nhiễm môi trường.
Qua những mô hình này, một bộ phận nông dân cũng thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để sản xuất bền vững, tăng thêm thu nhập và bảo vệ môi trường. Có thể dẫn chứng dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính”, là dự án tiên phong trong sản xuất “lúa xanh” dựa vào cộng đồng ở ĐBSCL đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Hiệu quả của dự án này đã được các nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá cao sau khi được thí điểm 11 vụ tại hai hợp tác xã ở tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Áp dụng kỹ thuật “1 phải, 6 giảm” vào sản xuất lúa đã tiết kiệm được 50% giống, từ 30 - 40% phân hóa học, 30% lượng thuốc, 20% công lao động, trong khi năng suất lúa tăng 10% và lợi nhuận cũng tăng 10%. Ngay trong tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang gay gắt hơn mọi năm, việc tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình dự án này là hết sức cần thiết với ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hường, ở xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, gia đình bà canh tác 3 ha lúa, vụ nào thời tiết thuận lợi thì có thu khoảng 20 - 30 triệu đồng, còn vụ nào dịch bệnh nhiều thì lỗ vốn. Từ khi dự án canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính “1 phải 6 giảm” được triển khai thí điểm ở Hợp tác xã Kênh 7B, ban đầu gia đình bà không dám làm theo vì sợ mất mùa. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, bà quyết định thử nghiệm. “Vụ đầu tiên, sau khi gieo sạ, tôi đứng ngồi không yên khi thấy ruộng lúa của hộ khác kế bên lên xanh trong khi ruộng nhà mình cứ vàng ra, lúa như bị bệnh, nhưng chồng tôi nhất quyết không cho phun xịt. Nhờ kiên trì áp dụng đúng kỹ thuật, qua 40 ngày lúa bắt đầu phát triển tốt, chỉ tốn 1 lần phun thuốc và giảm 30% lượng phân bón”, bà Hường cho hay.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, dự án sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính đã được triển khai thí điểm ở 5 tỉnh, thành trong khu vực gồm: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang. Viện cũng đã khuyến cáo ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL nên đưa dự án này vào sản xuất mở rộng ở những vùng khô hạn, thiếu nước tưới, nhằm giúp người nông dân cải thiện cuộc sống vì đã mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường khi năng suất, lợi nhuận tăng. Nông dân được tập huấn và nâng cao nhận thức, do vậy đã tự chủ động cắt giảm phân, thuốc và nước tưới so với tập quán cũ tới 30 - 40%.
theo http://baotintuc.vn/