Mô hình trồng nấm ở xã Hòa Tiến. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Chương trình xây dựng NTM tại TP. Đà Nẵng được triển khai ở huyện Hoà Vang với mục tiêu đến năm 2015 có ít nhất 6/11 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; giai đoạn 2016-2017, 100% số xã còn lại hoàn thành mục tiêu.
Tính đến cuối năm 2013, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều tăng các tiêu chí. Trong đó, các xã Hòa Châu, Hòa Tiến đạt 19/19 tiêu chí; Hòa Phú đạt 15 tiêu chí; Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Liên đạt 14 tiêu chí; Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Sơn đạt 13 tiêu chí; Hòa Ninh đạt 12 tiêu chí; Hòa Bắc đạt 11 tiêu chí. Riêng tiêu chí điện nông thôn thì cả 11/11 xã của huyện đã về đích.
Không chỉ sản xuất lúa
Là 2 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới, Hòa Châu và Hòa Tiến đã trở thành xã điểm của TP. Đà Nẵng cán đích nông thôn mới sớm nhất.
Từ một địa phương chỉ sản xuất lúa bình thường, đến nay Hòa Tiến có 2 HTX nông nghiệp, ngoài tổ chức sản xuất, Hòa Tiến trở thành địa phương chuyên cung cấp lúa giống chất lượng, năng suất cao cho các tỉnh miền Trung (trong 500 ha trồng lúa, Hòa Tiến có hơn 100 ha sản xuất lúa giống), tăng thu nhập cho xã viên
Bên cạnh đó, địa phương chủ động tìm tòi mô hình sản xuất mới như: Sản xuất nấm, nuôi gà thả vườn, bồ câu Pháp, chăn nuôi lợn tập trung, nuôi cá lóc trên cát… Các mô hình này không những tăng thu nhập cho chủ hộ mà còn giải quyết được một lượng lao động lớn tại địa phương.
Bên cạnh đó, việc nhanh chóng cơ giới hóa không chỉ giúp bà con giải quyết được khâu thiếu hụt lao động, tăng năng suất lao động, đảm bảo lịch thời vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch, ngoài ra còn tác động đến giá cả… mà đặc biệt từng bước thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của bà con.
Đến nay thu nhập bình quân đầu người của Hoà Tiến đạt 26 triệu đồng/người/năm; Hoà Châu 22,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của Hoà Tiến giảm còn 4,2%, Hoà Châu còn 2,8%. Năm 2014, 2 xã đặt mục tiêu không còn hộ nghèo.
Những ngôi nhà khang trang ở xã Hòa Phong. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Dựa vào nội lực
Theo ông Nguyễn Văn Toán, Bí thư xã Hòa Tiến, tiêu chí được coi là "vất vả” nhất trong quá trình thực hiện là tiêu chí môi trường. Vì thế, cán bộ xã thường xuyên đến tận nhà vận động nhân dân tham gia vệ sinh môi trường chung, giữ gìn ngõ xóm sạch đẹp, kết hợp với các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, xây dựng tuyến đường văn minh và thôn không rác…
Năm 2013 tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn Hòa Vang hơn 551 tỷ đồng, trong đó gần 295 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách; Thành phố và các sở, ban ngành, tổ chức, cá nhân đóng góp hằng năm hơn 150 tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng tạo điều kiện cho các xã trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất.
Cùng với sự chung tay đóng góp của nhân dân, đến nay huyện Hòa Vang đã hoàn thành 5 tuyến giao thông nội đồng; nâng cấp, sửa chữa, xây mới 25 nhà văn hóa thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân…
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM cho biết, trong năm 2014, Đà Nẵng tiếp tục huy động nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM, trong đó điểm nhấn là đầu tư phát triển, tạo nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 22,93 triệu đồng.
Mục tiêu đến cuối năm 2014 có 3 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; đến năm 2015 sẽ có 6/11 xã đạt đủ 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đến năm 2017, 5 xã còn lại hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Lưu Hương
Nguồn baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn