Qua đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
* "Quả ngọt" từ những sản phẩm địa phương
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng, qua kết quả khảo sát ban đầu, trên địa bàn thành phố hiện có 41 sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, thuộc 6 nhóm, gồm thực phẩm (26 sản phẩm); đồ uống (4 sản phẩm); thảo dược (5 sản phẩm); vải, may mặc (1 sản phẩm); lưu niệm- nội thất trang trí (3 sản phẩm); dịch vụ- du lịch (2 sản phẩm); trong đó, các sản phẩm như bưởi da xanh Hòa Ninh, nấm Linh chi Đà Nẵng, mía Hòa Bắc, gà đồi Hòa Phú, Hòa Phong, trứng cút Trà Kiểm (Hòa Phước), rau, củ quả Hòa Vang, rượu cần Phú Túc (Hòa Phú), lúa hữu cơ Hòa Vang, nước mắm Nam Ô (Liên Chiểu).
Cầu Vàng là công trình nằm tại vườn Thiên Thai, thuộc khu du lịch Bà Nà Hills của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Ngoài ra, thành phố còn có mô hình dịch vụ sinh thái nông nghiệp cộng đồng Cơtu tại xã Hòa Phú, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Hiện, các sản phẩm này đã và đang được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, tham gia xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang Lê Đức Thương, với lợi thế có khu du lịch Bà Nà Hills, xã Hòa Ninh đang từng bước xây dựng những sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch-dịch vụ, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiện xã đang tập trung khôi phục, nhân rộng các sản phẩm nông nghiệp như bưởi da xanh, ổi, mít, trồng hoa công nghệ cao, nuôi lợn rừng...; trong đó, mô hình trồng bưởi da xanh đang từng bước trở thành "đặc sản" của địa phương được đông đảo người dân và du khách biết đến. Người đi tiên phong trong việc nhân rộng loại quả này đó là gia đình ông Đặng Văn Nhân, trú tại thôn Đông Sơn.
Mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình ông Đặng Văn Nhân đã thực sự đem lại hiệu quả và trở thành niềm mơ ước của các hộ nông dân nơi đây, với mức thu nhập 100 triệu đồng/năm từ 0,5 ha bưởi. Thành công từ mô hình bưởi hôm nay đối với ông Nhân là điều bất ngờ bởi ban đầu đây chỉ là cây ăn quả trong nhà không được chăm sóc.
Với gia đình ông Nhân, cây bưởi chính là đặc sản mà thiên nhiên "ban tặng", tuy không được chăm sóc nhưng bưởi cho ra rất nhiều trái, cùi mỏng, tép đỏ tươi, mọng nước và ăn rất ngọt. Nhận thấy cây mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2010, ông Nhân đã chiết cành để trồng 100 cây trên diện tích 0,5 ha.
Đến nay, 100 cây bưởi cho thu hoạch mỗi năm thu hoạch 2 vụ, với giá bán trung bình từ 18.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, ông Nhân đã thu về 100 triệu đồng/năm.
Theo ông Nhân, do hợp thổ nhưỡng địa phương nên cây bưởi da xanh phát triển tốt, không sâu bệnh, đặc biệt là chi phí thấp, vì vậy, lợi nhuận từ cây bưởi da xanh đem lại là rất lớn. Nhận thấy được giá trị từ cây bưởi, năm 2016, gia đình ông Nhân đã trồng thêm 1ha, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt hứa hẹn khoảng cuối năm 2019 sẽ cho thu hoạch.
Rằm tháng 8 âm lịch năm nay, ông Nhân nhẩm tính thu về hơn 50 triệu đồng từ 0,5 ha bưởi da xanh sau khi trừ chi phí.
Để phát triển mô hình trồng bưởi da xanh, năm 2015, UBND xã Hòa Ninh đã xây dựng đề án "Trồng nhân rộng phát triển mô hình trồng bưởi ở Hòa Ninh". Hiện trên địa bàn xã có gần 100 hộ trồng bưởi, với diện tích khoảng 20 ha. Dự kiến, cuối năm 2019, một số diện tích bưởi sẽ cho thu hoạch và hứa hẹn sẽ là những mùa bưởi bội thu.
Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Lê Đức Thương cho biết, tuy diện tích bưởi da xanh trên địa bàn xã còn chưa nhiều, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Để bưởi da xanh trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, thời gian tới, xã Hòa Ninh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Trước mắt, bưởi da xanh Hòa Ninh hướng đến phục vụ nhu cầu của người dân và du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch Bà Nà Hills, bởi họ chính là những "đại sứ thương hiệu" đưa bưởi da xanh Hòa Ninh đến với các thị trường trong và ngoài nước.
*Đẩy mạnh chương trình
Ông Lê Quốc Khánh, Phó phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, tháng 7/2017, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" đến UBND các quận, huyện, sở, ngành.
Đối tượng thực hiện gồm sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh với điều kiện sinh thái, nguồn gốc, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương.
Trong đó, lấy chủ thể kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể làm nòng cốt, cụ thể là các Hợp tác xã , các doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nòng cốt cùng với tổ hợp tác, hộ sản xuất. Về danh mục nhóm sản phẩm, dịch vụ, gồm 6 nhóm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất trang trí và du lịch-dịch vụ.
UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" đến UBND các quận, huyện, sở, ngành. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo ông Lê Quốc Khánh, trước mắt, trong giai đoạn 2018-2020, ngành nông nghiệp thành phố sẽ thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Đối với thành phố Đà Nẵng, bên cạnh các vùng chuyên canh trồng rau, hoa, nuôi trồng thủy sản, thành phố đã triển khai quy hoạch danh mục 7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để kêu gọi, thu hút đầu tư.
Đây là tiền đề để tập trung tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng gắn với nhãn hiệu, thương hiệu của sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực.
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung hỗ trợ đầu tư hạ tầng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng sơ chế, kho lạnh bảo quản sản phẩm, thiết bị vận chuyển, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng thực hiện liên kết, tổ chức sản xuất đối với sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng vai trò trung tâm tổ chức sản xuất; đồng thời chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực của các hợp tác xã , doanh nghiệp để đảm nhận vai trò tổ chức sản xuất sản phẩm an toàn và hỗ trợ thực hiện xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho sản phẩm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng Hoàng Thanh Hòa, để chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" thực sự thành công thì các chủ thể hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đóng vai trò chủ đạo, bởi chính họ là người tự quyết định lựa chọn, phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để lập kế hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến để các sản phẩm đạt chất lượng, đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo ông Hoàng Thanh Hòa, ngoài 6 nhóm sản phẩm đã quy hoạch, thành phố sẽ chú trọng khôi phục, phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống như bánh tráng Túy Loan, rượu cần Phú Túc, nước mắm Nam Ô, đá mỹ nghệ Non Nước.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn hài hòa, cân bằng sinh thái, ưu tiên quỹ đất để sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn cảnh quan nông thôn với phát triển du lịch Đà Nẵng../.
Đinh Văn Nhiều/TTXVN
Nguồn: bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn