Ảnh minh họa
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016- 2020 đã bắt đầu. Nguồn lực ngân sách Nhà nước dành cho chương trình giai đoạn này là hơn 63 nghìn tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần giai đoạn trước đó. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực từ nhân dân, từ các tổ chức quốc tế… cũng đã có những tín hiệu tích cực.
Sở dĩ giai đoạn này chương trình được “dồn vốn” nhiều hơn là do các mục tiêu đặt ra khá tham vọng: đến năm 2020 có 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM; khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một huyện đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015…
Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, phù hợp nhằm tạo động lực mới cho khu vực nông thôn phát triển, có cơ sở đặc thù cho vùng khó khăn, vùng dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu; đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ xây dựng NTM, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
Để làm được việc này, nguồn vốn Nhà nước trên 63 nghìn tỷ đồng chỉ là vốn mồi, là khởi nguồn cho sáng tạo xây dựng NTM. Bên cạnh đó, vai trò của địa phương đặc biệt quan trọng. Riêng về nguồn vốn, nhiệm vụ đặt ra là cân đối từ địa phương khoảng 130 nghìn tỷ đồng.
Do vậy, theo ông Nguyễn Minh Tiến, các địa phương sẽ phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để huy động mọi người lực và sức mạnh toàn dân để xây dựng NTM. Phải dựa vào dân nhiều hơn nữa đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ưu đãi ODA và hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác phát triển cũng được xem là trợ lực quan trọng của chương trình. Dư địa để thu hút nguồn vốn này nằm ở các lĩnh vực kết cấu hạ tầng quan trọng như giao thông, nguồn nước, môi trường, trường học, y tế, điện; hay các gói hỗ trợ kỹ thuật cho định hướng sản xuất quy mô lớn và chuỗi giá trị, nâng cao năng lực để thực hiện xây dựng NTM ở tất cả các cấp độ…
Phía các đối tác phát triển, nhiều tổ chức cũng cam kết sẽ hỗ trợ tích cực cho chương trình. Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan Chính phủ, qua đó tăng cường các cách tiếp cận sản xuất nông nghiệp bền vững, trong đó quan tâm đến phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, FAO sẽ hỗ trợ một chương trình kỹ thuật để nâng cao thu nhập cho người nghèo ở nông thôn…
Còn bà Carolina V. Figueroa Geron (Ngân hàng Thế giới - WB) thì chia sẻ, chương trình dựa trên kết quả (PforR) đang triển khai của cơ quan này sẽ góp phần tăng thu nhập khu vực nông thôn ở các vùng nghèo nhất nước, thông qua những cải thiện trong năng suất nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập hộ nông thôn. Đồng thời WB cũng hỗ trợ Chính phủ cải thiện quá trình thực hiện, cơ chế và quy trình lập kế hoạch, triển khai, giám sát, đánh giá và quản trị nhằm đạt được những kết quả về giảm nghèo một cách hiệu quả hơn…
“Khoản vay IDA (vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc nhóm WB) 200 triệu USD có hiệu lực từ tháng 6/2017 sẽ hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách để hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững”, bà Carolina V. Figueroa Geron cho biết thêm.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cam kết sẽ tìm thêm các nguồn lực khác bổ sung cho chương trình. Đây là “lực hút” cũng như “vốn mồi” để có thể thu hút được thêm các nguồn lực từ DN, từ các thành phần kinh tế cho chương trình này. |
Hà Sơn
Nguồn: thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn