Theo số liệu của Cục Trồng trọt, hiện nước ta có khoảng 1,03 triệu ha ngô, cho sản lượng 12 triệu tấn/năm. Ngô là cây trồng quan trọng thứ 2 chỉ sau cây lúa, vì thế việc tìm ra giải pháp để phòng trừ sâu keo mùa thu đang hết sức cấp bách và cần thiết để đảm bảo sản xuất cho bà con nông dân.
Sâu keo mùa thu nguy hiểm như thế nào?
Các đại biểu thăm quan mô hình thí nghiệm xử lý hạt giống Fortenza Duo 480FS trên cây ngô, tại Trung tâm Nghiên cứu Syngenta Việt Nam (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh: Minh Ngọc
Hiệu lực diệt trừ sâu keo mùa thu cao nhất đạt 86% Ông Trần Quyết Tâm - Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc đánh giá: Sử dụng thuốc Fortenza Duo 480 FS để xử lý hạt giống ở liều 600ml/100kg hạt giống cho hiệu quả khá cao trong việc phòng trừ sâu keo mùa thu ở giai đoạn đầu của cây ngô, từ khi nảy mầm tới 5 lá, tức là 15 ngày sau khi gieo hạt. Đây là giai đoạn quan trọng nhất, giúp đảm bảo được mật độ của cây ngô. Đồng thời, việc xử lý hạt giống bằng Fortenza Duo 480 FS để kiểm soát sâu keo mùa thu ở giai đoạn 14 - 15 ngày sau gieo đã giúp giảm bớt 1 - 2 lần phun thuốc so với tập quán của nông dân, giúp bà con tránh lãng phí, tiết kiệm công phun xịt thuốc, an toàn hơn cho môi trường.
|
Theo Ủy ban Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) là loại sâu hại có nguồn gốc từ châu Mỹ, đang lây lan nhanh trên nhiều quốc gia trên thế giới. Sâu keo mùa thu là kẻ thù số một của nhóm cây lương thực ngắn ngày như ngô, lúa, đậu, đỗ; có nguy cơ cao gây thiếu lương thực của thế giới.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra, sâu keo mùa thu là loài đa thực, có khả năng phát tán và gây hại rất lớn, thức ăn ưa thích của sâu keo mùa thu là cây ngô, theo các nhà khoa học loài sâu này có thể sinh sống và gây hại hơn 80 loài thực vật khác nhau.
Sâu keo mùa thu chính thức xuất hiện ở Việt Nam tháng 4/2019, theo số liệu Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), tính đến đầu tháng 8, sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại trên ngô tại 43/63 tỉnh thành trên cả nước, với diện tích ngô bị ảnh hưởng 16.400ha (trong đó diện tích ngô bị sâu keo gây hại nặng 2.741ha, trung bình và nhẹ 13.726ha).
Theo các nhà khoa học, sâu keo mùa thu có kích thước chiều dài chưa đến 4cm, tuy nhỏ bé nhưng có sức tàn phá rất lớn, chúng thường phá hoại cây từ lúc còn non, con trưởng thành có khả năng bay rất khỏe, di cư rất xa tới 100km, sau một thế hệ phạm vi phân bố có thể 480km.
Ông Bùi Sĩ Doanh - Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết: “Xác định sâu keo mùa thu là một loại dịch hại nguy hiểm, ngay từ khi xuất hiện Bộ NNPTNNT đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng trừ loại sâu hại này. Đồng thời, Cục BVTV đã chỉ đạo hệ thống BVTV các địa phương tập trung theo dõi, giám sát và thực hiện nhiều hoạt động để ứng phó với sâu keo mùa thu; ban hành các quy trình kỹ thuật, các biện pháp quản lý, canh tác… để phòng trừ và chia sẻ các giải pháp hiệu quả cao để đầy lùi sâu keo mùa thu”.
Trong khi đó, đánh giá về mối nguy hại của sâu keo mùa thu, ông Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện BVTV cho biết: “Một con sâu trưởng thành có thể cắn nát 1 cây ngô chỉ sau 1 đêm, sức tàn phá của sâu keo gấp 5 lần tằm ăn rỗi. Cây ngô nào bị sâu keo mùa thu tấn công rất khó hồi phục và cho bắp”.
“Vũ khí” diệt trừ sâu keo mùa thu
Sau khi sâu keo mùa thu xuất hiện ở Việt Nam, Trung tâm BVTV phía Bắc đã phối hợp với Công ty Syngenta Việt Nam nghiên cứu, tìm ra những giải pháp để đẩy lui sâu keo mùa thu. Tại hội thảo, giải pháp được đưa ra để loại trừ sâu keo mùa thu, đó là biện pháp xử lý hạt giống Fortenza Duo 480FS.
Biện pháp xử lý hạt giống bằng thuốc Fortenza Duo 480FS đã được thí nghiệm ở 3 địa điểm khác nhau, đó là: Thí nghiệm trong nhà lưới của Trung tâm BVTV phía Bắc; thí nghiệm trên đồng ruộng tại xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và thí nghiệm diện rộng tại Trung tâm Nghiên cứu Syngenta Việt Nam (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). “Những thí nghiệm trên đã cho những dấu hiệu khả quan để đẩy lùi được sâu keo mùa thu” - bà Dương Thị Ngà - Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc cho biết.
Nói về giải pháp trên, ông Oliveira Andre - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tập đoàn Syngenta) khẳng định: “Biện pháp xử lý hạt giống bằng thuốc Fortenza Duo 480FS giúp bảo vệ cây con cả phần trên và dưới mặt đất với hiệu lực kéo dài nhờ vào cơ chế tác động độc đáo và khả năng lưu dẫn đến từ 2 hoạt chất Cyantraniliprole và Thiamethoxam. Sản phẩm hoàn toàn phù hợp để sử dụng trên nhiều vùng lãnh thổ, nhiều địa phương và cây trồng khác nhau mà nhất là cây ngô. Với Fortenza Duo 480FS, đây là sự tích hợp của 2 kiểu tác động khác nhau lên hệ cơ và hệ thần kinh của côn trùng thông qua việc ảnh hưởng lên quá trình bài tiết canxi và cắt đứt dẫn truyền xung thần kinh”.
Xử lý hạt giống bằng thuốc Fortenza Duo 480FS ở liều 600 ml/100kg, hạt giống có hiệu lực cao trong phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại ở giai đoạn đầu của cây ngô (từ khi nảy mầm đến 14 - 20 ngày sau gieo hạt). Ở thời điểm 10 ngày sau gieo hạt, hiệu lực đạt trên 86%; còn ở thời điểm 14 ngày sau gieo hạt, đạt từ 81 - 84%, sau đó hiệu lực giảm đến 21 ngày sau gieo hạt.
“Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, thuốc Fortenza Duo 480FS rất có hiệu quả trong việc đầy lùi sâu keo mùa thu, quản lý sâu keo mùa thu giai đoạn đầu từ 7 - 15 ngày là có hiệu quả cao nhất, khi xử lý hạt giống ngô để gieo nông dân có thể hạn chế một lần phun thuốc, ngô được xử lý hạt giống nẩy mầm tốt, cây phát triển và sinh trưởng tốt hơn so với cây ngô không được xử lý hạt giống” - bà Dương Thị Ngà - Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc thông tin.
Bà Ngà cũng khẳng định: “Về giải pháp thuốc BVTV, Trung tâm BVTV phía Bắc và Công ty Syngenta Việt Nam thời gian tới sẽ đề nghị Cục BVTV bổ sung thuốc Fortenza Duo 480FS vào danh mục thuốc sử dụng tạm thời trong việc phòng trừ sâu keo mùa thu trên ngô”.
Còn ông Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện BVTV lưu ý: “Cán bộ kỹ thuật phải tăng cường kiểm tra, giảm sát theo hướng dẫn của Cục BVTV để phát hiện sớm, khi sâu keo xuất hiện cũng không nên “hoảng hốt”, bởi vì hoàn toàn có thể phòng chống có hiệu quả bằng các biện pháp kỹ thuật trong hệ thống phòng trừ tổng hợp”.
Theo: Minh Ngọc/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn