Cuộc chơi mới
Cho tới thời điểm này, hình hài Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh tại Khu kinh tế Vân Đồn đã khá rõ . Khu nhà ga hành khách công suất 2 triệu lượt khách/năm, đường cất hạ cánh dài 3.600 m, rộng 45 m… đang được doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Vân Đồn xúc tiến đúng tiến độ.
Diện tích 286 ha của khu bay đã được giải phóng xong mặt bằng, phần còn lại (khoảng 76 ha) đang đợi các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2017.
. |
“Chúng tôi đã làm việc với Chủ đầu tư là Tập đoàn SunGroup và doanh nghiệp dự án để đảm bảo đưa Cảng vào khai thác thương mại vào giữa năm 2018”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBDN tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Cùng với Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh, chuỗi dự án Cầu Bạch Đằng, Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn cũng sẽ được đưa vào sử dụng vào đầu năm tới. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng vừa thông tin đã lên lịch khởi công Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào cuối năm nay.
“Tôi tin năm 2018 Vân Đồn sẽ rất khác”, ông Thành nói.
Điều này là chắc chắn khi trong vòng 3 năm, 2015-2017, số tiền mà doanh nghiệp đổ vào các dự án hạ tầng quan trọng đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Con số này sẽ chưa dừng lại khi sự hấp dẫn và cơ hội đầu tư mới lại được sinh sôi từ chính các dự án đang được coi là động lực phát triển của cả vùng này. Thậm chí, ngay lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng phải thừa nhận, đang có những đề xuất dự án trong các lĩnh vực mà trước kia, Quảng Ninh không dám mơ.
Ngay thời điểm này, UBND tỉnh Quảng Ninh và Công ty cổ phần Crystal Bay Nha Trang đang cùng hoàn tất các thủ tục của Dự án Du lịch, dịch vụ tổng hợp chất lượng cao tại Vân Đồn. Tổng vốn đầu tư của Dự án lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng.
“Muộn nhất là trong tháng 11/2017, các thủ tục sẽ hoàn tất để kịp thời gian khởi công mà chủ đầu tư mong muốn là trong năm 2017”, ông Thành cho biết.
Mô hình “doanh nhân công”
Tất nhiên, sự có mặt của các dự án quy mô lớn tại Vân Đồn trong giai đoạn này không chỉ dành cho Khu kinh tế Vân Đồn đã được Thủ tướng phê duyệt từ
năm 2009.
“Các nhà đầu tư đang tìm đến cơ hội đặc biệt sẽ được tạo ra khi Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, với cơ chế chính sách đang được đề nghị vượt trội”, ông Thành thừa nhận.
Đây là thực tế mà ông Thành đã rút ra trong giai đoạn chạy đà chuẩn bị cho Đề án Thành lập đơn vị hành chính - kinh tế Vân Đồn từ năm 2012. Trước đó, Quảng Ninh khá chật vật trong thu hút đầu tư, cho dù các dự án hạ tầng động lực trên đã được xác định khá sớm.
Năm 2012, sau hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều chuyên gia tư vấn quốc tế, Quảng Ninh đã quyết định thành lập IPA (Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư) trên cơ sở học tập các đặc khu kinh tế trên thế giới.
“Các nhà đầu tư nói họ cần thấy rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, trách nhiệm của một người cụ thể, chứ không muốn bàn việc kinh doanh với… một tập thể”, ông Thành chia sẻ.
Ngay thời điểm đó, Quang Ninh đã kỳ vọng thiết lập được mô hình sơ đẳng nhất của thiết chế trưởng đặc khu mà họ đã đề xuất trong Đề án Thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Trong đó, người quản lý công, nhưng cách quản trị theo mô hình doanh nghiệp, có địa chỉ, có nơi, có người chịu trách nhiệm cùng quyền hạn rõ ràng.
“Quảng Ninh thu hút được nhiều dự án trong những năm gần đây có nguyên nhân từ những thay đổi về cơ chế hành chính”, ông Thành khẳng định.
Hơn thế, sự xuất hiện của những doanh nghiệp tên tuổi tại các dự án động lực cho thấy ý nghĩa lớn hơn của sự thay đổi cơ chế hành chính theo cách mà ông Thành gọi là “lãnh đạo công - quản trị tư”.
Thực ra, khi bàn về sự mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp của Việt Nam giai đoạn vừa qua, ông Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam đã từng nhắc tới mô hình trên, với một thuật ngữ nhiều hàm ý hơn là “doanh nhân công”. Đây là những người đang làm trong bộ máy hình chính, nhưng có tinh thần doanh nhân dám nghĩ, dám làm và hiểu giới kinh doanh..
Những nghiên cứu mới đây của Fulbright đều cho thấy, một môi trường kinh doanh nuôi dưỡng sự sáng tạo, cái mới do các doanh nhân công xây dựng sẽ thúc đẩy sự gắn kết lợi ích giữa khu vực công (ở đây là mục tiêu phát triển kinh tế của khu kinh tế, khu công nghiệp) và khu vực tư - là những doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các khu này.
“Thực tế là phải có môi trường rất thuận lợi, chấp nhận sự sáng tạo, thì mới kêu gọi được các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đi đến cùng các dự án/ý tưởng ngay từ những ngày đầu tiên. Đây là một yếu tố rất quan trọng, bên cạnh vị trí, quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao, để các đặc khu kinh tế có điều kiện thành công”, ông Du phân tích.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng thừa nhận, nhà đầu tư lớn tìm đến các đặc khu kinh tế vì cả cơ chế, con người và hành động thực sự vượt trội.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn