Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã được long trọng tổ chức vào ngày 7/12 tại Hà Nội.
|
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương tham dự Đại hội.
Cùng dự Đại hội có 1.800 đại biểu chính thức, gồm: 138 đại biểu là Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 167 đại biểu là đại diện tập thể và các cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; 101 đại biểu là “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; 1.394 đại biểu là đại diện các tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc. Đồng thời, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng.
Để phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả; công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành công cụ quản lý nhà nước, là động lực thúc đẩy đất nước phát triển, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị các bộ, ban, ngành, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và các địa phương bám sát vào những nội dung thi đua do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát động và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thay mặt các tầng lớp nhân dân phát biểu hưởng ứng; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện công tác khen thưởng giai đoạn 2016-2020 ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sắp tới.
Từ thực tiễn triển khai phong trào, công tác này, Báo cáo tại Đại hội đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn.
Theo đó, thứ nhất là công tác thi đua, khen thưởng phải thường xuyên được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tổ chức, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớn nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Phải kiên trì và thực hiện tốt phương châm “cả hệ thống chính trị làm công tác thi đua, khen thưởng”.
Thứ hai, việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo động lực và sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện. Các phong trào thi đua phải có chủ đề, nội dung tiêu chí cụ thể, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, trong công tác thi đua, khen thưởng phải luôn coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung thiết thực, bám sát thực tiễn. Phải huy động được sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia tích cực công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ động phong trào thi đua và thực hiện chính sách pháp luật về khen thưởng; gắn công tác tuyên truyền với nêu gương, giao lưu, trao đổi, học tập, nhân điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực của đời sống.
Thứ tư, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua nhằm đánh giá đúng hiệu quả của phong trào, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, phát triển nhân tố mới, cách làm hay để nhân rộng. Thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét thi đua, tạo mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và khen thưởng để thi đua thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, là cơ sở để thực hiện công tác khen thưởng. Khen thưởng phải chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu “động viên, giáo dục, nêu gương” trong quần chúng nhân dân.
Thứ năm, luôn quan tâm tới việc hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng vì đây là đội ngũ trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng.
Theo Hội Nông dân