Trước đây, nông dân chưa chú trọng sản xuất cà phê sạch nên hiệu quả chưa cao và thường bị tư thương ép giá. Vì vậy, để giúp người dân trong vùng canh tác cà phê theo hướng bền vững, HTX Công Bằng đã đăng ký tham gia vào Hiệp hội Thương mại công bằng Fairtrade.
Tháng 10/2012, Hợp tác xã này được cấp giấy chứng nhận là thành viên của tổ chức trên. Hiện nay, HTX có 58 xã viên, với 125 ha cà phê. Để tạo ra sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn đã đăng ký, hàng năm, HTX đều tổ chức nhiều đợt tập huấn về chăm sóc, bảo vệ cây trồng.
Quá trình sản xuất cà phê sạch góp phần làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đáp ứng được sản lượng cà phê lớn để ký kết các hợp đồng xuất khẩu.
Gia đình ông Đỗ Hoàng Yên có 2ha cà phê, là một trong 58 thành viên của HTX Công Bằng. Trước đây, khi canh tác theo lối truyền thống, chi phí đầu tư nhiều nhưng năng suất vườn cây chỉ dừng lại ở 4 tấn/ha. Sau khi tham gia vào HTX và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, năng suất cà phê tăng lên 5,5 tấn/ha.
“Trong quá trình chăm sóc vườn cây, gia đình tôi chủ yếu sử dụng phân vi sinh, nói không với thuốc BVTV, nên vừa bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất cũng như an toàn hơn với người tiêu dùng”- ông Đỗ Hoàng Yên chia sẻ thêm.
Ngoài tổ chức tập huấn về chăm sóc, bảo vệ cây trồng, Ban giám đốc HTX cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Fairtrade. Bên cạnh đó, HTX còn khuyến khích xã viên thu hoạch cà phê chín thông qua chính sách cộng 1.000 đồng/kg, khi cà phê tươi bán cho HTX có độ chín đạt từ 85% trở lên. Đối với sản phẩm đã qua chế biến ướt được HTX thu mua cao hơn giá thị trường từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của nhiều xã viên, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện.
Ông Võ Quyết - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Công Bằng cho biết, nhờ sản xuất cà phê sạch đã mang lại cho HTX nhiều lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường “khó tính”. Năm 2019, chúng tôi xuất khẩu được gần 400 tấn cà phê nhân, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng. Bên cạnh xuất thô, HTX đang tiến hành tung ra thị trường sản phẩm cà phê bột mang thương hiệu “Cà phê Đăk Đam”.
“Trong tương lai, chúng tôi đang hướng đến mục tiêu, xây dựng sản phẩm cà phê bột trở thành một thương hiệu uy tín, vươn ra cả thị trường thế giới”- ông Võ Quyết, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Công Bằng nói.Ông Võ Quyết - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Công Bằng cho biết, nhờ sản xuất cà phê sạch đã mang lại cho HTX nhiều lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường “khó tính”. Năm 2019, chúng tôi xuất khẩu được gần 400 tấn cà phê nhân, doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng. Bên cạnh xuất thô, HTX đang tiến hành tung ra thị trường sản phẩm cà phê bột mang thương hiệu “Cà phê Đăk Đam”.
Với những kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, HTX Công Bằng trở thành đơn vị điển hình xuất sắc trong hệ thống kinh tế tập thể của tỉnh Đắk Nông. Thời gian qua, HTX này cũng là địa chỉ quen thuộc được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Theo Trần Luật/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn