|
Cán bộ xã Quảng Lợi (Đầm Hà) nắm tình hình chăm sóc bò giống của hộ nghèo được hỗ trợ sản xuất. |
Chất lượng đời sống được nâng cao
Thời gian qua, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững được huyện Đầm Hà tích cực thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ, bám sát điều kiện thực tế của địa phương và nhu cầu của người dân. Nguồn vốn Đề án 196 được cân đối, lồng ghép hiệu quả với các nguồn vốn cùng mục tiêu như: Vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách huyện, xã... Trước khi tiến hành các dự án cụ thể, huyện chú trọng làm tốt ngay từ khâu rà soát số lượng, đánh giá hiện trạng các hộ nghèo của từng xã, thôn để làm cơ sở cho việc hỗ trợ được trúng đối tượng, đúng mục tiêu, không bỏ sót.
Nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của các xã, thôn khó khăn về cơ sở hạ tầng, trong 3 năm qua, huyện đã phân bổ nguồn vốn gần 126 tỷ đồng, tiến hành xây mới, duy tu, bảo dưỡng tổng số 43 hạng mục công trình, gồm: Đường giao thông, hệ thống kênh mương thuỷ lợi, trường học... Trong quá trình triển khai, việc phân cấp để các địa phương thực hiện các dự án, công trình, đã góp phần tạo cơ hội để rèn luyện, đào tạo cán bộ cơ sở; vừa phát huy được vai trò, sự tham gia bàn bạc, giám sát và huy động nguồn lực từ cộng đồng.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn được chú trọng thực hiện; hướng tới nhóm đối tượng thuộc diện nghèo nhưng còn khả năng lao động, có ý chí vươn lên. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai 1 mô hình nuôi lợn Móng Cái thương phẩm, 1 mô hình trồng trà hoa vàng, 2 mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản. Đồng thời, chi hỗ trợ hơn 13,5 tỷ đồng cho gần 1.100 hộ nghèo tại các xã Quảng An, Quảng Lâm, Quảng Lợi, Quảng Tân, Dực Yên chủ động phát triển sản xuất tại gia đình.
Đơn cử như mô hình hỗ trợ bò giống sinh sản, ngay từ giai đoạn 2016-2017, huyện đã tiến hành thống kê tổng số hộ nghèo của từng xã, rà soát nhu cầu thực tế của bà con và tiến hành hỗ trợ 40 trường hợp đăng ký. Ở cấp xã, các hội, đoàn thể cũng nhận nhiệm vụ phụ trách từng khu vực trên địa bàn, thường xuyên có cán bộ nắm chắc tình hình để kịp thời tư vấn, hỗ trợ. Để đảm bảo chương trình hỗ trợ phát huy hiệu quả tối đa, huyện còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi bò sinh sản đúng kỹ thuật, thích nghi tốt với khí hậu và thức ăn ở địa phương; tặng thức ăn hỗn hợp chăn nuôi trong thời kỳ đầu. Từ hiệu quả thực hiện đợt 1 với toàn bộ các hộ tham gia đều thoát nghèo thành công, năm 2018, huyện tiếp tục trao bò giống cho 40 hộ nghèo, cận nghèo khác tham gia mô hình, hiện đều đang phát triển ổn định.
Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tự thoát nghèo, thuộc diện bảo trợ xã hội cũng đã và đang được đảm bảo thụ hưởng đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định; kiên quyết không để xảy ra thiếu sót, kiến nghị, gây bức xúc trong nhân dân.
|
Nhà văn hóa thôn Bình Minh (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) được đầu tư sạch đẹp, khang trang, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, hội họp của người dân. |
Quyết tâm cao cho mục tiêu giảm nghèo
Nhờ có chính quyền quyết tâm, người dân đồng thuận, hết năm 2018, toàn huyện Đầm Hà chỉ còn 178 hộ nghèo, 589 hộ cận nghèo. Tỷ lệ giảm hộ nghèo đã vượt 11,45% so với kế hoạch giảm nghèo của huyện và vượt tới 81,36% kế hoạch tỉnh giao từ đầu năm. Con số 183 hộ tự nguyện viết đơn đăng ký thoát diện nghèo chỉ riêng trong năm 2018 và việc 19/19 thôn đã hoàn thành chương trình 135 (vượt 9 thôn so với kế hoạch) là minh chứng cụ thể nhất cho tinh thần quyết tâm thi đua vượt khó đã lan rộng trong cộng đồng dân cư.
Trên cơ sở những kết quả giảm nghèo đã đạt được, ngay từ đầu năm nay, Ban Chỉ đạo giảm nghèo từ huyện đến các xã, thị trấn tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo. Công tác tuyên truyền, vận động đang được quan tâm đẩy mạnh, nhằm triển khai giới thiệu các mô hình giảm nghèo có hiệu quả tới đông đảo người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, các hộ có hướng phấn đấu, thêm động lực vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nhiệm vụ tuyên truyền, vận động này được các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức CT-XH của huyện, các nhà hảo tâm trên địa bàn tích cực vào cuộc thông qua các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đoàn Thanh niên huyện với phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành”, Hội LHPN huyện với phong trào “5 không, 3 sạch”... đều đang trở thành nền nếp của các khu dân cư.
Chia sẻ về cách làm của địa phương, ông Tạ Hữu Tuất, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, cho hay: Chúng tôi luôn xác định cách làm hiệu quả nhất phải là khơi dậy được sự nỗ lực của chính các hộ nghèo. Để cho bà con xóa dần đi suy nghĩ tự ti do hoàn cảnh khó khăn, ngày càng mạnh dạn và chủ động hơn khi luôn có sự hỗ trợ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ngay từ đầu năm, Ban Giảm nghèo của xã đã tổ chức họp, phân công cho các thành viên phụ trách công tác giảm nghèo ở các thôn, bản, tìm hiểu mong muốn người dân để hỗ trợ thiết thực nhất. Như việc hỗ trợ sản xuất, xã đã thông qua ý kiến thống nhất cao của các hộ dân để đề xuất loại gia súc hợp nhất với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước, nguồn cỏ... Có vậy thì chính sách hỗ trợ mới đi vào đời sống. Với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt, thuộc diện không có khả năng thoát nghèo cũng luôn được xã thực hiện chu đáo các chính sách trợ cấp theo quy định.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020, đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 2%. Trong đó, mọi hộ nghèo, cận nghèo đều được thụ hưởng đầy đủ các chính sách về y tế, giáo dục, các dịch vụ xã hội... Người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và được tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp. Đặc biệt, phấn đấu không có hộ chính sách, người có công nào thuộc diện nghèo. Nhiệm vụ này rất cần sự chung tay của toàn hệ thống chính trị để nhân lên những cách làm hay, mô hình hiệu quả, những tấm gương nỗ lực vượt khó.