Nỗ lực vượt khó
Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tính bình quân, mỗi xã của huyện mới chỉ đạt 10 tiêu chí. Trong khi, hạ tầng kinh tế, xã hội của huyện còn khó khăn, cơ cấu kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tăng trưởng chưa đồng đều, thiếu vững chắc, chất lượng và hiệu quả chưa cao; mặt bằng cho phát triển làng nghề, hạ tầng giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục,… còn thiếu; đời sống của nhân dân còn khó khăn, môi trường chưa thực sự được quan tâm.
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xác định, xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng điểm. Trong đó, lấy nội lực là căn bản, ngoài kinh phí của Nhà nước cần động viên, khuyến khích để nhân dân tự giác tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai... Từ nhận thức trên, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Sau một thời gian tuyên truyền quyết liệt, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước được loại bỏ, người dân đã thực sự thấy chính họ là chủ thể quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Người dân là đối tượng được hưởng thụ thành quả từ xây dựng nông thôn mới mang lại. Huyện Đan Phượng cũng xác định xây dựng nông thôn mới trước mắt tập trung vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nông dân gắn với đảm bảo an sinh xã hội... Trong đó, xác định 2 khâu đột phá là đấu giá quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Sau nhiều nỗ lực, huyện Đan Phượng đã có nhiều đổi thay. Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã tập trung cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây con có giá trị cao vào đồng ruộng. Đến nay, huyện Đan Phượng đã chuyển đổi được hàng trăm héc ta đất lúa sang trồng cây ăn quả, rau an toàn, hoa, cây cảnh. Đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng trên/ha/năm như sản xuất hoa lan, hoa ly. Cùng với đó, huyện Đan Phượng tập trung khai thác thế mạnh và tiếp sức cho các làng nghề phát triển, quy hoạch và xây dựng được 6 cụm công nghiệp làng nghề giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định. Đồng thời, phát triển mạng lưới chợ, siêu thị phục vụ tốt việc sản xuất và nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân.
Đi đôi với phát triển kinh tế và xây dựng hạ tầng, huyện Đan Phượng cũng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa xã hội và giáo dục. Nhờ vậy, lĩnh vực này đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Chất lượng giáo dục được nâng cao, công tác chăm sóc, khám sức khỏe cho người dân được chú trọng. Nhiều xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn quốc gia về y tế,...
Nâng chất lượng xây dựng nông thôn mới
Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Huyện Đan Phượng là mô hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới để các địa phương cùng học tập kinh nghiệm. Dù đã có nhiều đổi thay theo hướng đi lên nhưng các phong trào như “đường có hoa, nhà có số, phố có tên” được huyện phát động diễn ra khá sôi nổi. Vì vậy, đến bất cứ địa phương nào của huyện Đan Phượng cũng dễ dàng nhận ra, đâu cũng thấy những con đường kiên cố hóa bê tông sạch đẹp, hai bên là cây xanh, hoa tươi được trồng rất đẹp mắt. Cùng với đó, các ngôi nhà đều được đánh số rõ ràng, trên các đường đường đều có tên cụ thể.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, hiện nay, huyện đang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, chú trọng các tiêu chí về xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa, môi trường, ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân. Những cách làm mới nâng cao chất lượng đời sống, xã hội, vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, để nông thôn thực sự trở thành những nơi đáng sống.
Theo đó, trong thời gian qua, huyện Đan Phượng tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả sử dụng đất để phát triển kinh tế. Đáng nói, việc chuyển đổi luôn luôn được gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, mang tính sản phẩm hàng hóa, đưa các giống có năng suất, chất lượng vào gieo trồng, chăn nuôi. Chính vì vậy mà các diện tích chuyển đổi đều đạt hiệu quả kinh tế cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; huyện tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới,... bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn; gắn phát triển nông thôn với đô thị; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được giữ vững,... đây là nền tảng vững chắc để cán bộ, nhân dân huyện Đan Phượng tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, xã hội thời gian tới.
https://hanoi.gov.vn/xaydungnongthonmoi/-/hn/pZafgsiQ8zhP/7505/2824971/an-phuong-xay-dung-nong-thon-moi-i-vao-chieu-sau.html
Theo Thanh Bình/hanoi.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn