Đan Phượng đang phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đi lên, bộ mặt nông thôn đổi mới nhanh chóng.
Trồng hoa công nghệ cao tại Đan Phượng
Sau 4 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cơ bản đạt những chỉ tiêu đề ra, hiện có 13/15 xã đạt chuẩn NTM. Đan Phượng đặt mục tiêu cuối năm nay hoàn thành xây dựng NTM.
Huyện Đan Phượng đã và đang phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đi lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, cũng vì thế mà bộ mặt nông thôn đổi mới nhanh chóng.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, cho biết: Khi triển khai Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2012 - 2015”, Đan Phượng là huyện SXNN manh mún, vốn đầu tư còn rất nhiều khó khăn.
Quá trình đô thị hóa ở huyện diễn ra nhanh chóng tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Đứng trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND huyện đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM.
Trong 4 năm qua (2011-2015), dưới sự lãnh đạo sát sao, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên kịp thời của Huyện ủy, UBND, đặc biệt được sự đồng thuận của người dân nên quá trình xây dựng NTM đã đạt được nhiều thành công.
Theo ông Hoàng, riêng về cơ sở hạ tầng, trong 4 năm qua huyện đã xây dựng được 6 tuyến đường liên xã, dài gần 13 km; gần 20 km đường trục thôn; hơn 136 km đường ngõ xóm; hơn 80 km đường trục chính nội đồng, hệ thống kênh tưới hiện có hơn 148 km, phục vụ tưới cho hơn 3.100 ha.
Còn ngành điện, huyện đã đầu tư xây dựng gần 236 km đường dây điện trung thế, nâng tổng chiều dài đường dây điện trung thế lên hơn 311 km; hơn 111 km đường dây điện hạ thế nâng tổng chiều dài đường dây điện hạ thế lên hơn 422 km; 28 trạm biến áp nâng tổng số trạm của huyện lên 225 trạm, với tổng dung lượng gần 120 KvA. Từ đó, tỷ lệ hộ có điện trên địa bàn huyện đạt 99%.
Về giáo dục, huyện đầu tư về cơ sở vật chất và thiết bị trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và học tập. Toàn huyện có 55 trường học các cấp, có 38 trường đạt chuẩn chiếm tỷ 69% .
Về văn hóa, huyện có 15/15 xã đã có nhà văn hóa và sân thể thao. Toàn huyện có 93 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn. Huyện đã xây dựng các chợ nông thôn đảm bảo nhu cầu của nhân dân mua sắm. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển rộng khắp trên cả huyện. Về y tế, đến nay huyện đã có 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, mỗi trạm y tế có 1-2 bác sĩ phục vụ, tỉ lệ người có bảo hiểm y tế đạt 63%.
Đối với phát triển kinh tế và tổ chức SX, cuối năm 2014 huyện đã chuyển đổi SX được hơn 727 ha cho hiệu quả kinh tế cao từ 160-250 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn huyện có 6 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 534 DN vừa và nhỏ, thu hút 6.200 lao động. Có 21 cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 90% đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, vượt chỉ tiêu của thành phố 5%.
Năm 2014 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 26,5 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,2%. Trong giai đoạn 2011-2015, huyện đã giải quyết việc làm cho 11.000 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên toàn huyện đạt 95%.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, chia sẻ: Sự thành công trong xây dựng NTM của huyện là những kết quả của sự sáng tạo trong lãnh đạo, sự nhiệt huyết, tận tình của các cán bộ huyện. Quan trọng hơn nữa đó là sự đoàn kết, nhất trí của nhân dân toàn huyện.
Huyện Đan Phượng còn 2 xã là Thọ Xuân và Hồng Hà phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm nay, nâng tổng số xã hoàn thành NTM 15/15”, ông Thắng nói.
Nguồn: nongnghiep.vn