Ngăn chặn tình trạng này, sắp tới, cam Vinh sẽ được dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm chính gốc.
Niềm vui người trồng cam
Ông Trần Quang Dũng một hộ trồng cam ở Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Ảnh: C.T
Trao đổi với NTNN, ông Trần Quang Dũng - hộ trồng cam ở xã Minh Hợp cho biết: “Cam Vinh ở Quỳ Hợp nói riêng và các địa phương trên Nghệ An nói chung có mùi vị rất riêng, dầu từ cam toát ra có mùi thơm đặc biệt, độ ngọt cũng khác với các loại cam được trồng ở nơi khác. Vì vậy, nếu không dẹp bỏ được tình trạng mạnh ai nấy làm như lâu nay sẽ không nâng cao được thương hiệu cam Vinh, nhiều thương lái lợi dụng thương hiệu cam Vinh, đã trộn lẫn sản phẩm cam khác có chất lượng thấp để bán cho khách hàng, khiến người tiêu dùng mua nhầm sản phẩm”.
Theo ông Dũng, để bảo vệ thương hiệu cam Vinh, trong thời gian qua, đã có nhiều chủ vườn tự in logo để dán lên sản phẩm cam của nhà mình trước khi bán ra thị trường. Tuy vậy vẫn chưa đảm bảo được tính trung thực, chưa kể tình trạng lợi dụng trộn lẫn cam ngoài để bán cho khách hàng.
Bà Trần Thị Hoa - một hộ trồng cam khác ở xã Minh Hợp cho hay, bà đã nghe thông tin về việc cơ quan chức năng của Nghệ An xúc tiến việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh. “Theo tôi, đó là giải pháp rất quan trọng, người trồng cam chúng tôi ủng hộ, mong chờ lâu nay. Bởi người tiêu dùng đang rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn và chất lượng thực phẩm, trong khi những năm qua họ rất khó lựa chọn mua được sản phẩm cam chính gốc. Không ít tư thương lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, trộn lẫn cam không rõ nguồn gốc và bán tràn lan”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, nhiều hộ trồng cam Vinh trên địa bàn huyện Quỳ Hợp nói riêng và các huyện trên địa bàn Nghệ An nói chung đang chuyển đổi sang trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích lớn. Vì vậy, việc dán tem cũng sẽ thúc giục mỗi hộ nắm chắc kỹ thuật chăm sóc để nâng cao chất lượng quả, thực hành sản xuất sạch...
Muộn còn hơn không bao giờ
Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KHCN cho biết: Sở KHCN đang trình UBND tỉnh, Sở Tài chính đấu thầu phần mềm quản lý tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh. Sau khi có phần mềm quản lý tem do Sở KHCN là đơn vị độc quyền quản lý từ đầu mối, Sở sẽ quản lý trên 3 phương diện: Số lượng tem được in ra, phôi tem và thời hạn sử dụng tem.
Sau khi có phần mềm quản lý tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh, Sở KHCN sẽ cấp cho các cơ sở sản xuất cam đủ điều kiện được dán tem điện tử, chịu sự quản lý của Sở KHCN. Trước khi các cơ sở sản xuất cam in tem, Sở KHCN cho phép in số lượng tem, phôi tem và thời hạn sử dụng tem.
Theo ông Thành, chi phí để in tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh không đáng kể. Nếu 1kg cam có 5 quả, chi phí in 5 chiếc tem chưa đến 1.000 đồng. Chi phí cho việc in tem như vậy là không đáng kể so với giá trị sản phẩm cam Vinh hiện nay.
“Cam Vinh là thương hiệu nổi tiếng, được trồng ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, nhưng từ trước tới nay chưa có bản đồ chỉ dẫn địa lý cụ thể, chưa có phương án hỗ trợ bà con về tiêu thụ và đảm bảo thương hiệu nên nảy sinh việc trộn lẫn cam ở các nơi khác, làm giả thương hiệu, cam Vinh gây không ít khó khăn cho bà con nông dân và người tiêu dùng. Giờ mới đề xuất triển khai phương án dán tem điện tử cho thương hiệu cam Vinh là hơi muộn, nhưng thà muộn còn hơn không bao giờ. Bà con nông dân có thêm động lực để phát triển thương hiệu” - ông Quán Vi Giang - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết.
Cùng với triển khai việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc, Nghệ An sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu cam Vinh; chú trọng hình thành mạng lưới tiêu thụ; khuyến khích doanh nghiệp lớn làm đầu mối bao tiêu sản phẩm; thành lập website cho cam Vinh; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và kể cả thị trường nước ngoài...
Theo: Cảnh Thắng - Hà My/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn